Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Quảng bá di sản cần đúng cách

VHO- Ứng xử đúng với di sản, quảng bá di sản đúng cách; chấn chỉnh những hoạt động sân khấu hóa, thực hành sai nguyên tắc làm sai lệch di sản… là những vấn đề được thẳng thắn nhìn nhận, trao đổi từ nhiều khía cạnh tại Hội thảo - Hội nghị - Tập huấn “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh” do Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Quảng bá di sản cần đúng cách - Anh 1

 Toàn cảnh hội thảo, hội nghị, tập huấn

Đây là một nội dung kịp thời và cần thiết, trong bối cảnh nhiều di sản chưa được bảo vệ, phát huy và quảng bá giá trị một cách đúng đắn.

Nhận thức về bảo vệ, phát huy giá trị di sản còn hạn chế

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội,… Tính tới thời điểm hiện nay, UNESCO đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các Danh sách. Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và nhân loại.

“Với nỗ lực không ngừng, tình yêu và trách nhiệm của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản và chính quyền các cấp đối với di sản; thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 và các Công ước khác của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định. Lưu ý việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và thực hiện Công ước, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững.

Tuy nhiên, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh. “Các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nêu.

Từ những bất cập đã và đang diễn ra trong thực tiễn, phần lớn thời gian tại hội nghị - hội thảo dành để đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia sau khi được ghi danh tới nay, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, cách hiểu đúng và đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể, về cộng đồng chủ thể của di sản, từ đó có cách ứng xử phù hợp với di sản. Bên cạnh đó, nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia của các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân và chủ thể của di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh nói riêng.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh: Quảng bá di sản cần đúng cách - Anh 2

Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG

Chú ý không gian văn hóa mà di sản tồn tại

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội lưu ý, thời gian qua có nhiều trường hợp thực hành chưa chuẩn, không đúng nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần điều chỉnh cho phù hợp và đúng cam kết với UNESCO, tránh làm sai lệch di sản.

GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ quan điểm: “Chúng ta vẫn nói, di sản của cộng đồng, cần trả lại di sản cho cộng đồng. Vấn đề là cộng đồng nào, cần nghiên cứu và làm rõ, với một di sản văn hóa phi vật thể, ai là chủ nhân tác tạo và ai là chủ nhân sở hữu. Việc bảo tồn, phát huy di sản cần tuân thủ nguyên tắc thực hành để không làm xói mòn, sai lệch giá trị di sản”. Nhiều nghệ nhân, chuyên gia cho rằng, trường hợp di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thời gian qua bị đưa ra khỏi không gian thiêng là thực tế đáng báo động và cần chấn chỉnh. NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng (đền Nguyên Khiết Linh Từ, Hàng Bạc, Hà Nội) bức xúc cho rằng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đang bị bóp méo. Ông đề nghị, cần ngăn chặn và chấn chỉnh những hoạt động làm sai lệch và cố tình phổ biến sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật trình diễn, và phải thực hiện trong đền, đài, điện, phủ. Nếu đưa hầu đồng ra khỏi không gian linh thiêng trước ban thờ nơi thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tức là biểu diễn giá trị hầu đồng.

“Sân khấu hóa và lợi dụng di sản, lợi dụng thanh đồng, lợi dụng “khăn áo”, trang phục… và cả uy tín, danh hiệu của di sản để trục lợi, đã làm ảnh hưởng tới tính thiêng của di sản, xúc phạm cộng đồng tín ngưỡng. Nếu không bị nhắc nhở sẽ tiếp tục diễn ra các hoạt động dựa vào sân khấu hóa để tổ chức trình diễn hầu đồng, cũng như trang phục và nhiều thành tố khác của di sản”, nghệ nhân Kim Hùng nhấn mạnh. NNƯT Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ Tiên Hương (di tích Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định) cũng khẳng định, việc đem di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra khỏi không gian thiêng để trình diễn, biểu diễn gây nhiều bức xúc trong cộng đồng thực hành di sản. Bà Trần Thị Huệ mong muốn cơ quan quản lý tăng cường phổ biến cho các thanh đồng, đạo quan về thực hành tín ngưỡng tâm linh khác với sân khấu nghệ thuật.

Nhấn mạnh phải quảng bá di sản đúng cách, theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, mỗi di sản văn hóa phi vật thể cần có một cách quảng bá khác nhau, để người xem, người nghe hiểu đúng di sản. “Hiện tại, trên một số cơ quan truyền thông có đưa ra khái niệm “trình diễn di sản”, coi như biện pháp để cộng đồng, nhất là người nước ngoài hiểu rõ về di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Tôi nghĩ không có một thuật ngữ như thế, bởi các hình thức di sản văn hóa phi vật thể mà Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa thì không phải hình thức nào cũng có thể trình diễn”, GS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, trong quảng bá di sản hay tính xác thực của di sản, rất cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề này. Không gian thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hóa phi vật thể.

Đề cập đến vai trò của truyền thông, TS Vương Anh lưu ý, việc đưa hình ảnh của di sản giới thiệu ra ngoài cộng đồng sở hữu góp phần quảng bá di sản cần đặc biệt chú ý tới không gian văn hóa mà di sản tồn tại. Cần phân biệt rõ khái niệm trình diễn và thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt ở loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. “Ra khỏi không gian văn hóa mà nó tồn tại thì di sản không còn là di sản nữa. Bên cạnh đó, truyền thông cần tôn trọng cộng đồng và nhấn mạnh sự đồng thuận của cộng đồng…”, TS Vương Anh nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền khẳng định, Cục ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân... về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh. Những ý kiến tại hội thảo sẽ là những góp ý để Cục Di sản văn hóa sớm tiếp tục quản lý, chấn chỉnh các hoạt động sai lệch nhằm bảo vệ di sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

Nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiện còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào Danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị.

Các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời…

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

PHƯƠNG ANH; ảnh: KHIẾU MINH

Ý kiến bạn đọc