Ninh Bình:
Phát hiện dấu tích thành cổ Hoa Lư khi đào móng nhà
VHO - Ngày 30.12, tại hội nghị giao ban về công tác báo chí, tuyên truyền tháng 12 và định hướng công tác tuyên truyền tháng 1.2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao đã báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Theo đó, vào giữa tháng 1.2024, gia đình ông Nguyễn Tử Quý ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trong quá trình đào móng xây nhà cho người con trai thứ hai trên thửa đất thổ cư của gia đình rộng hơn 100 m2 đã phát hiện một đoạn bờ đất đắp, nghi là tường thành Hoa Lư.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã cử cán bộ chuyên môn tới làm việc với gia đình. Xác định, đây có thể là dấu tích có giá trị từ thời Hoa Lư (thế kỷ thứ X) nên sở này đã thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp nhằm thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn và nghiên cứu di tích ở giai đoạn tiếp theo.
Bắt đầu từ ngày 22-30.12.2024, phòng chuyên môn của sở đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ.
Trong một tuần qua, các nhà nghiên cứu đã cho đào ba hố khai quật, phát hiện 5 lớp kết cấu tường thành. Đó là lớp gia cố chân tường thành (ở độ sâu 3,46 m) bằng gỗ lim đóng cọc, bên trên lót đất sét màu xám tạo chân; lớp dải cành cây vụn có tác dụng chống sụt lún, trơn trượt; tiếp theo là các lớp đất sét và tường gạch được xếp khá quy chuẩn... Bức tường gạch kết hợp với cọc gỗ và những lớp đất đắp tạo thành một chỉnh thể vững chắc.
Di vật được tìm thấy trong các hố khai quật chủ yếu là những vỉa gạch đã vỡ. Gạch ở đây có hai nhóm là gạch xám, một số viên có chữ "Giang Tây quân" hoặc "Giang Tây chuyên", niên đại thuộc thế kỷ VIII-IX. Loại gạch thứ hai là gạch đỏ, một số mảnh có in chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên", tức loại gạch chuyên dùng xây kinh thành thời bấy giờ, loại này cũng có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10.
Kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ X.
Đợt khai quật khảo cổ diễn ra bị động, có tính chất khẩn cấp nhưng cơ bản đã tuân thủ đầy đủ các bước quy trình khai quật nghiên cứu khảo cổ. Các tư liệu thu được đã được lưu giữ qua các bản ảnh, bản vẽ, mô tả khảo cổ. Hố khảo cổ đã được số hóa qua công tác Scan 3D để có thể tái dựng nghiên cứu ở các giai đoạn tiếp theo. Kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ X.
Tuy nhiên, do tính chất khẩn cấp của cuộc khai quật và giới hạn về thời gian nghiên cứu nên nhiều vấn đề khoa học vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo, do vậy vẫn chưa thể đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu về một số vấn đề như: có phải Tường Đông Bắc và các đoạn tường thành nhân tạo khác ở Hoa Lư chỉ được đắp và sử dụng một lần? Cấu trúc và vai trò của các tường thành trong việc nhận diện tổng thể Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X. Vấn đề bảo vệ di tích Tường Đông Bắc, cũng như các di sản khảo cổ hiện diện ở Cố đô Hoa Lư trong bối cảnh phát triển đô thị nóng như hiện nay ở Trường Yên.
Với kết quả này, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ cấp bách như: Cần nghiên cứu đưa tường Đông Bắc và các địa điểm liên quan đến tường thành Hoa Lư vào Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; nghiên cứu xây dựng đề án và chương trình hành động hướng đến nghiên cứu làm rõ quy mô, kỹ thuật, không gian phân bố, cách thức xây dựng tường Đông Bắc và các tường thành khác của Cố đô Hoa Lư… nhằm cung cấp thêm tư liệu nghiên cứu làm rõ diện mạo các vòng thành, cấu trúc tường thành và con đường dẫn vào kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đề nghị: Trước mắt, Sở Văn hoá và Thể thao, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm và có phương án phù hợp, hài hòa để vừa giải quyết, đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân trong vùng lõi di sản, vừa bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu di tích.