Hòn trống mái ở vịnh Hạ Long có nguy cơ bị gãy, đổ: Cần ngay giải pháp bảo tồn cấp thiết
VHO- Có thể nói, hòn Trống Mái nằm ngay ở ví trí trung tâm của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là biểu tưởng du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế của vùng đất này, nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đổ, trượt nếu chính quyền, cơ quan chức năng sở tại không có ngay giải pháp bảo tồn cấp thiết.
Hòn Trống Mái được giới chuyên gia cảnh báo có nguy cơ cao bị gãy, trượt
Cuộc hội thảo góp ý cho Báo cáo tổng kết và các sản phẩm chính của nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long” diễn ra từ hồi cuối tháng 7 vừa qua, tuy nhiên cho đến nay theo tìm hiểu của chúng tôi, các bên liên quan vẫn chưa có những động thái mạnh mẽ cho vấn đề “cấp cứu” biểu tượng có một không hai của di sản vịnh Hạ Long.
Còn nhớ vào cuối năm ngoái, chúng tôi cùng đoàn chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có chuyến tham quan vịnh Hạ Long, và một trong những điểm đến là hòn Trống Mái. Cơ duyên đưa đến địa điểm này không hề xuất phát từ sự tò mò hay chụp ảnh lưu niệm vì biểu tượng này đã nằm lòng trong sự yêu thích của biết bao du khách, mà trong đoàn có một chuyên gia về địa chất mong muốn mọi người có cái nhìn thực địa ở khoảng cách gần nhất có thể để nhận diện rõ hơn về sự ăn mòn đáng sợ đối với “hai chân” của hòn Trống Mái. Bằng con mắt chuyên môn, vị chuyên gia về địa chất đã cảnh báo rằng, với tốc độ xâm thực và bào mòn của sóng, gió và tác động của con người như hiện nay, chẳng bao lâu nữa độ kết cấu “hai chân” của hòn Trống Mái sẽ bị cưa đứt. Tại thời điểm đó có người nói đùa rằng, hòn Trống Mái đang đứng trên hai “que tăm” bởi trông nó rất chênh vênh, chung chiêng nhất là khi những đợt sóng cao ập vào. Vị chuyên gia còn nói thêm, cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo qua mối quan hệ công việc nhưng nhìn chung chưa mấy ai tin, hoặc nhận được câu trả lời đại loại như “trông thế thôi, nó còn vững chãi lắm”.
Hòn Phụ bị ngã đổ vào năm 2006, chỉ còn hòn Tử
Cái gì đến nó cũng sẽ đến. Ngày 31.7 vừa qua, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) đứng ra tổ chức hội thảo khoa học góp ý về Báo cáo tổng kết và các sản phẩm chính của nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long”. Tại đây, nhiều nhà khoa học đã đưa ra số liệu chính xác đến từng cm về hiện trạng hòn Trống Mái, và gây nên cơn sửng sốt đối với nhiều người về sự ngày càng mong manh của nó. ThS Hồ Tiến Chung, Phó trưởng phòng Kiến tạo và địa mạo (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) cho biết, hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái cao khoảng 13,9m, chân đảo thóp lại tạo tư thế chênh vênh. Qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, hòn Trống Mái có cấu tạo đơn nghiêng với nhiều hệ thống khe nứt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt, lở hoặc bị biến dạng làm mất đi hình ảnh biểu tượng của di sản thế giới vịnh Hạ Long. Còn TS Trần Điệp Anh, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho hay, kết quả điều tra, đo vẽ chi tiết tại thực địa khu vực hòn Trống Mái kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh, xây dựng mô hình 3D đã xác định được trên khu vực hòn Trống Mái này tồn tại 40 khối có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó hòn Trống có 11 khối và hòn Mái tồn tại 29 khối. Tổng cộng 13 khối có nguy cơ trượt phẳng (hòn Trống 6, hòn Mái 7); 4 khối có nguy cơ trượt nêm (hòn Trống 3, hòn Mái 1); 23 khối có nguy cơ đổ lở, lật đổ (hòn Trống 3, hòn Mái 21). TS Trần Điệp Anh đưa ra đánh giá rằng, các kết quả thu được khá chi tiết, là một sản phẩm quan trọng cho công tác thiết kế các giải pháp tiền khả thi để giảm thiểu nguy cơ trượt lở, đổ lở qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định hòn Trống Mái.
ThS Hồ Tiến Chung cho biết thêm, bằng mắt thường, du khách có thể nhìn thấy sự chông chênh của hòn Trống Mái vào thời điểm triều xuống đến mức thấp nhất. Khi mực nước thấp đã làm lộ ra phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn dần, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố. Theo ông Chung, có nhiều yếu tố tác động đến sự ổn định của hòn Trống Mái như sóng, gió, nước, thủy triều, dòng chảy, thực vật và cả con người. Các vết nứt một khi đã mở ra tạo điều kiện cho nước, gió luồn vào gây xói mòn, ăn mòn, lâu dần tốc độ ăn mòn ngày càng nhanh tạo nên hai hòn này rất rời rạc. Vì vậy việc bảo vệ, gia cố hòn Trống Mái là cực kỳ cần thiết.
Phần đầu hòn Thiên Nga đã bị trượt đổ năm 2016
Từ thực trạng đáng báo động trên, ThS Hồ Sỹ Mão, nghiên cứu viên của Viện Khoa học thủy lợi, đã đề xuất các giải pháp công trình với từng đối tượng tại hòn Trống Mái. Theo đó, mỗi đối tượng của hòn Trống Mái được đề xuất từng biện pháp kỹ thuật như dùng các neo bảo vệ các khối trượt, bơm trám xi măng vào các khe nứt, xây tường bê tông chịu lực để hỗ trợ gia cố các vách hang và hệ thống đê bao vòng quanh chân cụm đảo giúp xử lý độ ổn định chân đế hòn Trống Mái. Ngoài ra, trước những đánh giá các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hiện tượng sạt lở, đổ lở và xói lở hòn Trống Mái, nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu mối liên quan giữa số lượng, vận tốc, khoảng cách tàu thuyền và tác động của chúng tới sự ổn định của hòn Trống Mái, qua đó đưa ra một số giải pháp xã hội và giải pháp công trình nhằm giảm thiểu tác động đến sự ổn định của hòn Trống Mái. Nhóm chuyên gia của Viện Địa kỹ thuật Na Uy là gồm TS Rainder Kumar và TS LLoyd Warren đã phân tích các đặc tính cơ học đá liên quan tới sự ổn định của hòn Trống Mái, so sánh với các di sản thiên nhiên trên thế giới đã được tập thể chuyên gia Viện Địa kỹ thuật Na Uy bảo tồn, và đưa ra nhận định và đề xuất các giải pháp ổn định hòn Trống Mái tại vịnh Hạ Long. Các đề xuất của nhóm chuyên gia Na Uy có một số điểm không tương đồng với đề xuất của Viện Khoa học thủy lợi, chẳng hạn phương án bảo tồn nhưng không làm thay đổi cảnh quan và chỉ tác động nhỏ nhất để đảm bảo độ ổn định của hòn Trống Mái theo thời gian. Trước sự tác động của thiên nhiên, các chuyên gia đồng thuận và có chung nhận định cần có những biện pháp gia cố, bảo vệ hòn Trống Mái. Ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu để không phá đi vẻ đẹp tự nhiên của điểm du lịch này.
Trao đổi riêng với Văn Hóa, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhấn mạnh, câu chuyện bảo tồn các “biểu tượng” được sản sinh từ thiên nhiên như hòn Trống Mái, hòn Vọng Phu hay hòn Phụ Tử… đã được các nhà chuyên môn đặt ra từ lâu với những kiến nghị cụ thể. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là, những biểu tượng dù là của thiên nhiên nhưng đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân, là điểm ưa thích của du khách cứ lần lượt ngã, đổ theo một quy luật… bình thường, nghĩa là tuổi thọ của chúng chỉ đến vậy! Vì thế, cơ quan quản lý và giới chuyên môn cần ngồi lại để đưa ra kế hoạch khảo sát, đánh giá với sự hợp tác từ quốc tế nhằm nhận diện cụ thể hơn hiện trạng, nguy cơ của các biểu tượng này để đưa ra giải pháp bảo tồn, tránh tình trạng thụ động như trước đây.
Vịnh Hạ Long từng mất đi hòn Thiên Nga năm 2016 khi “phần đầu thiên nga” bị ngã đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013. Tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử được công nhận là danh thắng quốc gia năm 1989 cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn hòn Tử (con). |
LÂM SƠN