Hà Nội cần sớm có đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di tích
VHO- Nhấn mạnh Hà Nội sở hữu một số lượng lớn di tích với nhiều loại hình, trong đó có những di tích đặc biệt giá trị, được xem như những báu vật trong kho tàng di sản văn hóa quốc gia, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, đó là niềm tự hào của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy những di tích quý giá đó cần phải được tiến hành như thế nào cho hiệu quả.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại cuộc họp
Đó là một trong những nội dung được lãnh đạo Bộ VHTTDL lưu ý tại cuộc họp chiều 3.6 với UBND TP. Hà Nội về công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch UBND TPHà Nội Chử Xuân Dũng đồng chủ trì cuộc họp.
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp TP. Phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, các di tích trên địa bàn thành phố là niềm tự hào của Thủ đô văn hiến, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
Theo Sở VHTT Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn TP luôn được cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di tích thuộc Sở VHTT Hà Nội quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, các điểm đến di tích như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỉ đồng. Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn trong nhiều năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố cũng được chỉ ra một số khó khăn, hạn chế. Đại diện các Sở, ngành, quận, huyện và người trực tiếp tham gia bảo vệ, trông coi di tích đã chia sẻ những ý kiến về thực trạng công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; đồng thời kiến nghị những giải pháp để triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là nội dung được TP. Hà Nội quan tâm trong nhiều năm qua
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là vấn đề rất cần thiết và cũng là nội dung được Hà Nội quan tâm trong nhiều năm qua. Đặc biệt, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đặt vấn đề đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích với tỉ trọng đầu tư lớn. Đó là điều đáng mừng cho công tác quản lý di tích tại Hà Nội trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, bên cạnh điều đáng mừng thì vấn đề đặt ra là phải triển khai như thế nào để hiệu quả không lãng phí, qua đó bảo tồn, phát huy được giá trị của những di tích quý giá, kéo dài tuổi thọ và phát huy giá trị di tích.
Nhấn mạnh Hà Nội sở hữu một số lượng lớn di tích với nhiều loại hình, trong đó có những di tích cổ được xem như những báu vật trong kho tàng di sản quốc gia, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, đó là niềm tự hào của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. “Để đạt được yêu cầu đăt ra về bảo tồn, phát huy giá trị di tích, Hà Nội cần tiến hành kiểm kê, điều tra, khảo sát và đánh giá lại tổng thể hiện trạng di tích. Việc tổng kiểm kê, đánh giá cần kết hợp với số hóa, xây dựng ngân hàng dữ liệu về di tích Hà Nội”, Thứ trưởng đề nghị.
Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh việc Hà Nội cần sớm có đề án tổng thể về bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó đánh giá tổng thể hệ thống di tích, những di tích xuống cấp cần sửa chữa, từ đó có danh sách ưu tiên, lộ trình đối với tất cả các di tích. Đối với hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, cần tập trung vào trọng tâm là những vấn đề đã tồn tại lâu, cần giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
“Cũng phải thấy rằng dù Hà Nội có nhiều di sản quý nhưng thời gian qua chưa được quảng bá nhiều để tạo sức thu hút. Cần có tập sách quảng bá di tích để giới thiệu tinh hoa di sản của đất nước trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là cơ sở dữ liệu cho đề án nói trên…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, cuộc họp nhằm huy động sáng kiến, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố thời gian qua, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8.4.2022 của HĐND TP. Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Nhiệm vụ tu bổ, tôn di tích là một công việc đặc biệt, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề…, làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc của từng di tích”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị, ngành văn hóa Thủ đô khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập Ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở...
PHƯƠNG ANH; ảnh: AN MINH