Giá trị lịch sử của bộ sưu tập súng thần công
VHO- Với khẩu súng thần công vừa được phát hiện, hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang lưu giữ 14 khẩu súng thần công. Đây là những hiện vật có giá trị, minh chứng cho cuộc chiến tranh lịch sử giai đoạn 1858 - 1860 của quân và dân Đà Nẵng. Đây cũng là một sự kiện gây chú ý và tạo phấn khích cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu và nhân dân thành phố Đà Nẵng, cùng những người quan tâm trên cả nước.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: Nhằm làm rõ hơn về khẩu súng thần công vừa phát hiện, Bảo tàng Đà Nẵng đã mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành để làm sáng tỏ giá trị của hệ thống súng thần công đang lưu giữ tại bảo tàng và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Trong đó, các ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Huế) ban đầu đã khẳng định: Khẩu súng thần công bằng đồng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu, và nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677-1678 đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay. Tuy không ghi tên xưởng đúc và năm đúc [giống như một số súng đồng Hà Lan còn lưu giữ ở Việt Nam và một số nơi trên thế giới], nhưng đồng dạng trên các khía cạnh kiểu dáng, cấu tạo kỹ thuật và hoa văn trang trí với những khẩu thần công bằng đồng của Hà Lan xuất xưởng và du nhập vào Việt Nam.
Khẩu súng thần công vừa được phát hiện tại Đà Nẵng hiện đang được bảo quản để phục vụ công tác nghiên cứu
“Về tổng thể, súng có chiều dài toàn bộ 174,1 cm, gồm hai phần là thân súng dài 160,3 cm và chuôi súng [gọi chung là khối hậu] dài 13,8 cm. Tổng trọng lượng súng khoảng 200 kg. Thân súng thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng có hình trụ tròn không đều, đường kính đáy súng giáp khối hậu là 208 mm, nhỏ dần đến cổ miệng súng, rồi nở ra ở loa miệng súng với đường kính 146 mm. Toàn thân súng có 3 bộ phận: khoang buồng nạp thuốc súng, bầu súng và nòng súng. Bên trong thân súng là khoảng âm của lòng súng hình trụ tròn đều, được bố trí theo trục chính tâm, dài từ miệng súng đến đáy bầu súng, có đường kính 60 mm.
Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận của súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi cùng các biểu tượng trong hoa văn trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí rất đậm nét loại súng đồng cổ của Hà Lan, cộng thêm phần chữ Hán chỉ khắc tay đơn sơ ở hai trục quay của triều Nguyễn để hướng dẫn pháo thủ sau mỗi lượt bắn; có thể khẳng định khẩu thần công bằng đồng này có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu, và nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677-1678 đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay” - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến chỉ rõ.
Súng thần công được trưng bày phục vụ khách tham quan tại khuôn viên Bảo tàng Đà Nẵng
Cũng theo các nhà nghiên cứu, nếu nói về súng thần công bằng đồng thì Huế hiện có 9 khẩu thần công. Ngoài ra, 3 khẩu súng thần công bằng đồng (là bảo vật quốc gia), hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Khẩu súng thần công vừa tìm thấy ở Liên Chiểu là khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở thành phố Đà Nẵng sau hơn 160 năm binh lửa với Phương Tây kể từ ngày 1.9.1858.
“Có thể thấy, khẩu thần công vừa phát hiện tại Đà Nẵng khác biệt với các khẩu thần công bằng đồng được trưng bày tại các tỉnh, thành ở chỗ nó là khẩu súng chiến, không phải súng kiểng. Dựa trên các tài liệu lịch sử, thì tại Đà Nẵng, để bảo vệ đất nước trước nạn giặc ngoại xâm, vua nhà Nguyễn đã trang bị cho pháo đài Điện Hải 30 ụ súng thần công cỡ lớn. Khẩu súng thần công mới nhất này sẽ tôn thêm giá trị của bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải (gồm 13 khẩu súng thần công được đúc bằng chất liệu gang - sắt được phát hiện trong khuôn viên và xung quanh thành Điện Hải, cửa biển Đà Nẵng (nay là Vùng 3 Hải quân), bên hữu ngạn sông Hàn (thành An Hải thời Nguyễn)); đồng thời góp phần khẳng định, làm rõ thêm về ý nghĩa của cuộc chiến 1858-1860 của quân và dân Đà Nẵng cũng như vai trò của nhà Nguyễn với mặt trận này” – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng thông tin.
Số lượng súng thần công trang bị cho thành Điện Hải được ghi trong Khâm định đại nam hội điển sự lệ (quyển 254) gồm: 4 khẩu đại luân xa thảo nghịch đại tướng quân, 22 súng gang Hồng y, 1 súng đồng Vũ công phá địch đại tướng quân... Bộ sưu tập này được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích Thành Điện Hải và khu vực bên ngoài thành trong những năm 1979, 1991, 1993, 1997, 2005, 2007 và năm 2008.
N. HÀ