Đã đến lúc công nhận cầu Long Biên là di sản đô thị

VHO- Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói, duyên nợ với cây cầu Long Biên lịch sử từ khoảnh khắc 69 năm về trước đã để lại những cảm xúc ăn sâu trong tâm trí. Đến bây giờ, nhìn cầu Long Biên với bộ dạng nhiều vết thương, làm biến dạng cây cầu huyền thoại, ông cảm thấy đau xót như chính vết thương trên cơ thể mình.

Đã đến lúc công nhận cầu Long Biên là di sản đô thị - Anh 1

Cầu Long Biên cần được công nhận là di sản đô thị

Chia sẻ của ông Nguyễn Dy Niên tại hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” vừa mới tổ chức vào cuối tuần qua đã dấy lên nhiều xúc cảm với người Hà Nội.

Chữa “vết thương” cho cầu Long Biên

Gần 70 năm trôi qua nhưng ấn tượng về hình ảnh cây cầu Long Biên lịch sử ngày ấy trong ký ức ông Niên vẫn không phai mờ: “Tháng 10 năm 1954, tôi theo đoàn quân từ vùng ATK về tiếp quản Thủ đô Hà Nội giải phóng. Khi đoàn xe chạm vào đầu cầu Long Biên từ phía Bắc sông Hồng, tôi sửng sốt trước sự hùng vĩ của cây cầu lung linh dưới ánh điện. Một cảm giác vừa ngỡ ngàng, vừa tự hào mà sau này không bao giờ lặp lại dù tôi đã đứng trước nhiều công trình kỳ vĩ trên thế giới”.

Cảm xúc và hình ảnh cây cầu ăn sâu trong tâm trí suốt mấy thập niên qua, khiến ông Niên thấy như có duyên nợ với cây cầu, để đến bây giờ, nhìn thấy nhiều vết thương làm biến dạng cây cầu huyền thoại, “tôi cảm thấy đau xót”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà là cầu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. “Cây cầu là một chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm trong hơn 120 năm qua. Ấy thế mà thực trạng cây cầu hiện nay vô cùng ảm đạm, trên mình còn mang bao nhiêu vết thương chiến tranh mặc dù đã được các cơ quan chức năng “chạy chữa”, chắp vá hằng năm”, ông Niên bày tỏ và cho rằng có lẽ trong chúng ta không ai có thể đứng nhìn một cây cầu Long Biên huyền thoại trong tình trạng như vậy kéo dài từ năm này qua năm khác. Quá khứ không thể thay đổi nhưng chúng ta có thể làm chủ tương lai.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, cây cầu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc. Với hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác, tuy nhiên do đã bị tàn phá trong chiến tranh cũng như tuổi thọ quá lớn, cây cầu không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng. Chiều cao tĩnh không của cây cầu đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy. Khu vực cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cầu bắc qua vẫn chưa được quy hoạch làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội.

Ông Trần Ngọc Chính cũng cho biết, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Ga Ngọc Hồi sẽ trở thành đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại. “Đến khi đó cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ khách tham quan, du lịch, vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu”, ông Chính nhấn mạnh.

Cầu Long Biên cần được công nhận là di sản đô thị

Cũng theo ông Chính, quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như một di sản đô thị của Hà Nội, tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn. Do đó, cần tính toán để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu để vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa phát huy giá trị lịch sử của cây cầu.

Ông Nguyễn Dy Niên cũng cho rằng, Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên. Chính vì thế, nếu chậm khôi phục cầu Long Biên ngày nào là chúng ta sẽ đánh mất giá trị lịch sử, văn hóa của cây cầu ngày đó. Đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng. Nhấn mạnh quan điểm này, ông Chính nêu rõ, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn. “Việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô”, ông Chính nói.

Để có được những đóng góp thiết thực cho việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên, ông Chính cho rằng, cần tập trung làm rõ một số nội dung, trong đó, công nhận cầu Long Biên là di sản đô thị, di sản kiến trúc cầu duy nhất của Thủ đô, biểu tượng của Hà Nội để có được cơ chế phù hợp cho công tác bảo tồn. Nêu lên những ước vọng về phục hồi lại cầu Long Biên, ông Nguyễn Dy Niên trông mong việc phục hồi lại đúng nguyên bản thiết kế của cây cầu với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng như rồng lượn, tương thích với danh xưng Thăng Long. Đường xe lửa có thể giữ nguyên nhưng tốt nhất là xây dựng một cây cầu dành riêng cho xe lửa, nhường chỗ lòng đường xe lửa hiện nay cho tuyến đi bộ và thiết kế những tụ điểm văn hóa ở trên cầu.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi (Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất, về quy hoạch cần kết nối cầu Long Biên theo cả hai chiều. Chiều dọc vào các khu phố, chiều ngang xuống bãi giữa sông Hồng, nơi trong kế hoạch của thành phố sẽ hình thành một công viên đa chức năng hình thành từ khu vực bãi bồi, bãi giữa ven sông Hồng. Cầu Long Biên sẽ kết nối với công viên này thông qua tuyến đường dốc dẫn từ cầu xuống bãi giữa như một điểm đến trong chuỗi du lịch văn hóa. Ở chiều dọc, cầu Long Biên cần kết hợp với dự án khai thác các vòm cầu dẫn bằng đá được thiết kế sử dụng như các gallery nghệ thuật, dịch vụ văn hóa và thương mại. Từ các vòm cầu sẽ tiếp tục mở ra các tuyến chợ đêm và những tuyến đi bộ len lỏi và chạy sâu vào khu phố cổ.

TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTSVN bày tỏ, cầu Long Biên gánh trên mình những giá trị trầm sâu, lắng đọng, dày dặn và riêng biệt không thể có một di sản thứ hai nào thay thế. Giờ đây, chính những thanh sắt vô tri, dáng hình cũ kỹ... mà nhuốm đượm màu thời gian là thứ in dấu bâng khuâng, xao xuyến trong lòng người đương đại, tạo nên sức quyến rũ vi diệu cho du khách muôn phương khi được chạm, ngưỡng. Nhấn mạnh cần có những giải pháp mới cho cầu Long Biên, KTS Phan Đăng Sơn nêu, cần thay đổi hẳn chức năng cầu Long Biên hiện nay. Công nhận cầu là một di sản kỹ thuật và văn hóa đô thị. 

PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc