Chuyện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

VHO- Đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một trong 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2022. Quyết tâm hồi hương ấn vàng không chỉ để hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng, Nhà nước về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chuyện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - Anh 1

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Đằng sau hành trình ấy là biết bao nỗ lực; có những hồi hộp và cả những cảm xúc vỡ òa khi tiếp cận và xác thực chiếc ấn trước mắt chính là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Từ hồi hộp đến vui mừng

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một trong hai chuyên gia được giao trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” lưu giữ tại Văn phòng Hãng đấu giá Millon, chia sẻ với Văn Hóa, ông vẫn còn nguyên những cảm xúc đặc biệt của hành trình đáng nhớ ấy. TS Nguyễn Văn Đoàn cùng chuyên gia, TS Phạm Quốc Quân được giao trọng trách giám định hiện vật. “Trước khi tiếp xúc với hiện vật, chúng tôi rất hồi hộp. Bởi đây không chỉ là lần được tiếp xúc hiện vật lịch sử nổi tiếng trực tiếp, mà ở đó, chúng tôi còn đảm nhận trách nhiệm của những chuyên gia. Thông qua phương pháp giám định, thẩm định, đối chiếu, so sánh, chúng tôi đã khẳng định tính chân xác của hiện vật. Trước mắt chúng tôi khi ấy đang hiện diện chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đúng như sử sách đã ghi chép và những thông tin hiện biết”, ông Đoàn kể.

Trong kho báu những hiện vật vô giá mà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang lưu giữ, bảo quản, có những hiện vật đồng đại trong bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn. Ông Đoàn cho biết, trong quá trình nghiên cứu, đối sánh, hai chuyên gia đã nắm được những đặc điểm nhận diện, đặc trưng từ hình dáng, hình khối đến họa tiết, hoa văn trang trí trên hiện vật. “Vì thế, khi tiếp xúc với hiện vật thực, chúng tôi đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, nhận diện và khẳng định đây chính là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”…”, ông nói.

“Tất nhiên là phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Công việc chuẩn bị cho chuyến đi đàm phán đặc biệt này có nhiều bước, và một trong những việc quan trọng, song song với chuẩn bị hồ sơ khoa học là chúng tôi, với vai trò các chuyên gia, phải kiểm tra lại tất cả những tài liệu, hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đặc biệt là hai hiện vật có tính sát thực, gần gũi và có nhiều điểm tương đồng nhất là ấn “Sắc mệnh chi bảo” và ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo” đều đúc năm 1827. Chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng và đến khi được tiếp xúc trực tiếp với ấn “Hoàng đế chi bảo” thì cũng nhanh chóng xác thực. Tất nhiên, cả tôi và TS Phạm Quốc Quân đều rất thận trọng”.

Mặc dù cả 3 chiếc ấn đều được đúc dưới thời Minh Mệnh, đều có giá trị đặc biệt quan trọng đối với triều nhà Nguyễn lúc bấy giờ, nhưng khi đúc thì mỗi chiếc ấn này đều là những hiện vật độc bản. Chính vì vậy, cả 3 vừa có những đặc trưng chung, nhưng khi đi vào chi tiết thì mỗi hiện vật lại có nét riêng mà trong quá trình nghiên cứu, đối sánh chúng tôi đã nhận ra”, TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ. Theo đó, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” thể hiện rõ vị trí là một chiếc ấn đặc biệt quan trọng, quá trình đúc ấn kỹ lưỡng và công phu, với những họa tiết trang trí minh văn, thông tin lưu, khắc đều được thể hiện đặc biệt hơn. Ví dụ, nếu nét chữ trên hai ấn “Sắc mệnh chi bảo” và “Hoàng đế tôn thân chi bảo” là nét đơn, thì trên ấn “Hoàng đế chi bảo” nét chữ lại là nét kép. Đầu trang trí hình tượng rồng hay các hoa văn, chi tiết trên ấn cũng tinh xảo hơn. TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hai chuyên gia đã quan sát rất kỹ và nhận thấy những nét đặc sắc, khẳng định giá trị và ý nghĩa của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đối với triều đình nhà Nguyễn.

“Trong một buổi chiều, hai chúng tôi nghiên cứu hiện vật với tư cách hai chuyên gia độc lập, không trao đổi và sau đó cùng đưa ra những đánh giá. Khi họp cả đoàn lại thì nhận xét của tôi và TS Phạm Quốc Quân đều rất tương đồng…”, ông Đoàn nhớ lại.

“Cùng các biện pháp nghiên cứu, đối sánh với sưu tập hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ, chúng tôi cũng phải chuẩn bị kỹ việc tìm hiểu qua các sử liệu thành văn và đặc biệt nhất là việc được tiếp xúc trực tiếp với hiện vật. Trong nghiên cứu gọi đây là phương pháp giám định chuyên gia. Tất nhiên, đầy đủ hơn nữa thì chúng ta cần đến những xét nghiệm phân tích thành phần, tỷ lệ hợp kim vàng, nghiên cứu thêm về thư pháp, cấu trúc, thành phần của son được sử dụng trên triện ấn trong quá trình tồn tại. Hiện nay chúng tôi chưa thực hiện được các biện pháp này, nhưng có thể nói, qua đánh giá phân tích, tiếp xúc trực tiếp, các chuyên gia đã xác định rõ tính chân xác của hiện vật. Cảm xúc thực sự từ hồi hộp đến vui mừng”, TS Nguyễn Văn Đoàn bày tỏ.

Chuyện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - Anh 2

Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu và Chủ tịch Hãng đấu giá Millon (thứ tư bên trái từ ngoài vào)

Tiền đề quan trọng cho công tác hồi hương cổ vật

Có những câu chuyện sẽ mãi là những ký niệm đẹp của cuộc hành trình đưa ấn vàng vô giá hồi hương. TS Nguyễn Văn Đoàn nhớ lại, trước khi lên đường, nhìn hiện vật qua hình ảnh và đối chiếu qua sử liệu, bản thân ông đã rất tin tưởng đây thực sự là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, nhưng cảm xúc vẫn rất hồi hộp. “Đến khi được trực tiếp tiếp xúc và xác định tính chân xác của kim ấn chúng tôi mới an tâm, vì nhiệm vụ được giao rất nặng nề đã được hoàn thành, không có tồn nghi. Cả đất nước, thế giới nhìn vào, đó là trọng trách của chúng tôi…”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia bộc bạch.

TS Nguyễn Văn Đoàn cũng chia sẻ, việc đàm phán thành công đã cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của các Bộ, ngành có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động và kịp thời xây dựng phương án “hồi hương”; xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện. Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đã rất nỗ lực để cuối cùng đi đến kết quả là phía Pháp đồng ý chuyển giao bảo vật này cho phía Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục. Việc Hãng đấu giá Millon hoãn lần một, lần hai để cuối cùng chúng ta có thể trực tiếp trao đổi, đàm phán sớm hồi hương cổ vật cũng có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Thông tin đàm phán thành công nhanh chóng tạo hiệu ứng tích cực, được đông đảo các cơ quan báo chí trong nước đưa tin, người dân vui mừng và chờ đợi báu vật trở về.

Trước đây, con đường hồi hương các cổ vật thường thông qua kênh ngoại giao, do các nhà sưu tập tư nhân mua trực tiếp từ các sàn đấu giá nước ngoài đưa về. Nhưng lần này thì khác, chúng ta đàm phán để kim ấn “Hoàng đế chi bảo” không được đưa lên sàn đấu giá mà bằng cách trao đổi trực tiếp để đưa hiện vật về. Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, đây là tiền đề rất quan trọng cho công tác hồi hương cổ vật sau này. Hiện nay nhiều di sản, cổ vật của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử còn được lưu giữ trong rất nhiều sưu tập ở nước ngoài. Đàm phán thành công ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã khẳng định và tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao; đồng thời tạo tiền đề để tiếp tục có những hiện vật, sưu tập hiện vật khác sớm được hồi hương. Trên cơ sở đó, khẳng định và tôn vinh hơn nữa giá trị lịch sử lâu đời của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia bày tỏ, trong những khuyến cáo của UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn chú trọng tính toàn vẹn của di sản. “Trong quá trình bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, được bổ sung thêm những hiện vật quý, đặc biệt giá trị như kim ấn “Hoàng đế chi bảo” là điều mong mỏi của chúng tôi, những chuyên gia trong lĩnh vực di sản, bảo tàng. Tất cả chúng ta đều mong muốn hiện vật sau khi hồi hương sẽ được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đó là điều thực sự tuyệt vời…”, ông nói.

“Việc đàm phán thành công đã cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của các Bộ, ngành có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động và kịp thời xây dựng phương án “hồi hương”; xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện. Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đã rất nỗ lực để cuối cùng đi đến kết quả là phía Pháp đồng ý chuyển giao bảo vật này cho phía Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục. Việc Hãng đấu giá Millon hoãn lần một, lần hai để cuối cùng chúng ta có thể trực tiếp trao đổi, đàm phán sớm hồi hương cổ vật cũng có thể nói là chưa từng có tiền lệ.

 (TS NGUYỄN VĂN ĐOÀN)

NGÂN ANH

Ý kiến bạn đọc