Hòa Bình:

Xây dựng CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch

QUỲNH VY

VHO - Dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Mường ở Hòa Bình bình dị nhưng có sức sống mãnh liệt, phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung đã trở thành nét văn hóa độc đáo luôn được cộng đồng dân tộc Mường giữ gìn, phát huy trong sinh đời sống.

Xây dựng CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch - ảnh 1

Lớp tập huấn góp phần triển khai có hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trêđịa bàn Hòa Bình

Dân tộc Mường ở Hòa Bình có một kho tàng văn hóa dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày, giản dị, mộc mạc mà chân thành. Với nhiều thể loại như thơ, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Bên cạnh đó, người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi...

Hiện nay, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống được người Mường bảo tồn, lưu giữ tương đối nguyên vẹn, ngoài nhu cầu giải trí còn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng được thể hiện trong các hoạt động lễ hội, phong tục nghi lễ sinh hoạt cộng đồng của đồng bào.

Xây dựng CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch - ảnh 2

Ra mắt CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường xóm Vó Giò, xã Nhân Nghĩa

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa khiến cho không gian trình diễn dân gian ngày càng bị thu hẹp, văn hóa truyền thống có xu hướng mai một, thất truyền, số lượng nghệ nhân dân gian ít dần do tuổi cao, sức yếu. Đặc biệt giới trẻ hiện nay không say mê, kế tục nghệ thuật dân gian truyền thống dẫn tới xu hướng nghệ thuật diễn xướng sinh hoạt văn hóa dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách định hướng trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc một cách hiệu quả, cụ thể.

Để triển khai có hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đồng thời tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình gắn với phát triển văn hóa, du lịch.

Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với Sở VHTTDL Hòa Bình và Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lạc Sơn tổ chức lớp tập huấn "Xây dựng mô hình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường" cho 100 học viên là cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, hạt nhân văn hóa đang sinh sống tại xã Nhân Nghĩa. 

Xây dựng CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch - ảnh 3

Lớp tập huấn là dịp để các nghệ nhân am hiểu truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc dân tộc Mường

Việc mở lớp tập huấn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường, khích lệ cộng đồng sáng tạo các giá trị văn hóa mới, giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc. Hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường ở Hòa Bình gắn với phát triển du lịch trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Các học viên được các chuyên gia phổ biến, tuyên truyền, phổ biến định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Kỹ năng triển khai xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn, bản. Lồng ghép nội dung hương ước, quy ước trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Bên cạnh đó, các học viên còn được các nghệ nhân am hiểu truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc dân tộc Mường trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Dịp này,  CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường xóm Vó Giò, xã Nhân Nghĩa được thành lập nhằm duy trì sinh hoạt, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân, cũng như bảo tồn sự đa dạng văn hoá dân tộc.  

Cục Văn hóa cơ sở đã trao tặng CLB trang phục nam, nữ, đạo cụ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường nhằm hỗ trợ CLB trong việc nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ, dân  truyền thống.

Xây dựng CLB dân ca, dân vũ dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch - ảnh 4

Trao tặng trang phục nam, nữ, đạo cụ, nhạc cụ hỗ trợ CLB tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống

Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hòa Bình cho biết, kho tàng di sản văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình nói chung, dân tộc Mường tại huyện Lạc Sơn nói riêng có vị trí đặc biệt trong đời sống của cộng đồng, thể hiện bề dày lịch sử văn hóa, sức sáng tạo tài hoa của các thế hệ nghệ nhân thể hiện sinh động cuộc sống hiện thực, thế giới quan và nhân sinh quan của cộng đồng.

Việc nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức tập huấn có ý nghĩa vừa giáo dục lòng tự hào về truyền thống của cha ông, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Trong thời gian tới, để duy trì sinh hoạt văn hoá truyền thống, CLB cần xây dựng quy chế hoạt động, có sự phân công trách nhiệm cụ thể làm cơ sở ràng buộc, gắn kết các thành viên, đảm bảo phát triển một cách ổn định.

CLB phải huy động được những người có tâm huyết với văn hóa dân tộc. Các nghệ nhân vừa là những người thực hành, đồng thời là những người gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, phân loại di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường đang có nguy cơ mai một để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, khai thác các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc từng bước xây dựng thành sản phẩm hấp dẫn phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.