Về Xí Thoại trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na

PHAN HIẾU

VHO - Nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng người dân tộc Ba Na tại làng văn hóa Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) là một nét văn hóa độc đáo và lâu đời. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của người Ba Na mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và tài hoa trong lao động.

 Về Xí Thoại trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na - ảnh 1
Nghề dệt thổ cẩm tại làng văn hóa Xí Thoại là một nét văn hóa độc đáo và lâu đời của cộng đồng người dân tộc Ba Na

Làng nghề dệt thổ cẩm ở Xí Thoại được hình thành từ rất lâu, ban đầu xuất hiện ở các hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dần dần được ưa chuộng và mở rộng buôn bán ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Lãnh và các huyện lân cận Sơn Hòa, Sông Hinh...

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ri chia sẻ: “Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ sợi có nguồn gốc từ cây lanh, bông và gai dầu. Bề mặt của vải thổ cẩm rất phức tạp với các hoa văn nổi, đòi hỏi sự tinh xảo giống như việc thêu tay, mặc dù toàn bộ quá trình được thực hiện trên khung cửi. Loại vải thủ công này rất an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường được tạo ra bởi các nghệ nhân Ba Na tài năng ở Xuân Lãnh. Mỗi một sản phẩm hoàn thành đòi hỏi rất nhiều công sức cùng với tay nghề khéo léo của người thợ và mỗi hoa văn dệt vào vải phản ánh nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Ba Na.

Còn nghệ nhân La O Thị Tím cho hay, mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của dân tộc nơi đây. Mỗi một mảnh vải thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, miêu tả thiên nhiên thông qua các họa tiết hình học được lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương và biểu tượng hóa vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng và thảo nguyên. Các màu chính được sử dụng là trắng, đỏ, đen. Màu đỏ biểu thị sức mạnh và tình yêu; màu trắng đại diện cho nguyện vọng và ước mơ; màu đen tượng trưng cho sức mạnh và vẻ đẹp uy nghiêm của thiên nhiên hoang dã. Trong số các màu này, người Ba Na đặc biệt tôn trọng màu đen, coi đó như một biểu tượng của quyền lực tự nhiên.

 Về Xí Thoại trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na - ảnh 2
Sản phẩm thổ cẩm Xí Thoại rất được khách du lịch ưa chuộng

Thời gian qua, huyện Đồng Xuân tạo điều kiện cho các thành viên tổ dệt thổ cẩm tham gia các lớp đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm gắn liền với thương hiệu của Làng nghề; đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định với nhiều mặt hàng, tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là Tổ hợp làm du lịch cộng đồng thôn Xí Thoại được hình thành, bước đầu xây dựng được sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng như biểu diễn văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, uống rượu cần, tham quan, dã ngoại phục vụ du khách.

Thôn Xí Thoại có trên 200 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, 95% dân số là người dân tộc Ba Na, di sản văn hóa đặc sắc nơi đây được biết đến là trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Loại hình nghệ thuật này được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016. Xí Thoại là một trong những buôn làng lưu giữ nét văn hóa dân tộc bản địa được công nhận thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào năm 2000 và là thôn văn hóa du lịch cộng đồng năm 2014, cũng như được UBND tỉnh Phú Yên công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại vào cuối năm 2023 với trên 40 hộ tham gia.

Hiện nay, làng văn hóa Xí Thoại đã trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, nơi du khách có thể tham quan, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và mua các sản phẩm thủ công chất lượng. Đó cũng là động lực để các cấp ngành, chính quyền địa phương quyết tâm triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Ông Lê Văn Khương, Tổ trưởng Tổ hợp làm du lịch cộng đồng thôn Xí Thoại cho biết, những năm qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu văn hóa, con người và cuộc sống nơi đây. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng để tăng giá trị đất đai, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. “Nắm bắt được xu hướng đó, chúng tôi xây dựng nhiều mô hình hay nhằm khai thác tốt các tiềm năng lợi thế của địa phương như cảnh đẹp thiên nhiên, dệt vải thổ cẩm, di sản văn hóa trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Du khách đến thăm quan trải nghiệm, thưởng thức món ăn ngon đặc sản của địa phương và mua các sản phẩm du lịch là quần áo, túi xách, dây đeo, khăn quàng làm bằng chất liệu vải thổ cẩm mang về làm quà biếu tặng người thân, gia đình, bạn bè. Chúng tôi làm du lịch cộng đồng để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại và di sản văn hóa của cộng đồng”, ông Lê Văn Khương chia sẻ.