Về Tiên Thành vui hội Nàng Trăng
VHO - Cứ hai năm một lần vào năm chẵn, người dân trên địa bàn xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) nói riêng và du khách cả nước nói chung lại nô nức đổ về đây dự lễ hội Nàng Trăng (Nàng Hai). Đây là lễ hội đặc biệt, thể hiện tín ngưỡng nguyên thủy của người Tày. Lễ hội Nàng Trăng của người Tày nơi đây mang tính nguyên hợp cao, vừa có lễ, vừa có hội kết hợp với diễn xướng, múa hát tập thể. Chính vì lẽ đó lễ hội đã tích hợp được nhiều giá trị văn hóa.
Người Tày quan niệm trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên chăm nom, bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Trăng là nghi thức thể hiện hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm thú ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở. Lễ hội Nàng Trăng được tổ chức với ba nghi lễ chính đó là: Lễ đón Trăng, lễ cầu Trăng và lễ đưa Trăng.
Lễ hội Nàng Trăng xã Tiên Thành được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Việc tiếp tục bảo tồn lễ hội Nàng Trăng không chỉ đơn thuần là duy trì một nghi lễ cầu mùa thông thường, mà còn nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Có thể nói, đến với Lễ hội Nàng Trăng xã Tiên Thành, ngoài nhu cầu tâm linh du khách còn có nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Lễ hội Nàng Trăng thực sự là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa nói riêng, nó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại. Đây là một lễ hội có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc trên địa bàn, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.