Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô

LÊ THANH CƯỜNG - MINH NGỌC

VHO - Cứ mỗi độ thu sang, khi bông lúa trên cánh đồng đã bắt đầu uốn câu, cũng là lúc người Tày Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vào mùa làm cốm và chuẩn bị cho lễ hội dâng cốm truyền thống của dân tộc mình.

Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô  - ảnh 1
Cốm Nghĩa Đô được gói bằng lá dong xanh, vừa giữ được độ ẩm của cốm lại lưu giữ được mùi thơm của lúa.

Tầm giữa tháng 8 âm lịch hằng năm trở đi, khi những hạt lúa nếp tròn mẩy căng sữa, chờ ngày chín, cũng là lúc các bản làng của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô nhộn nhịp vào mùa làm cốm.

Nơi đây từ lâu vẫn giữ nghề truyền thống làm cốm đặc sản trong nếp sống thường nhật của họ như một nét văn hóa độc đáo và tạo nên một thức quà ngon mang hương vị bản Tày…

Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô  - ảnh 2
Bà con dân tộc Tày thi làm cốm nhanh cốm ngon

Vùng đất Nghĩa Đô trù phú, có nhiều loại gạo ngon nổi tiếng như lúa nếp Mộ, lúa nếp Láng, lúa nếp Nậm Nhá, lúa nếp Cứ mà các vùng khác không có được là cơ sở tạo nên vị dẻo, vị thơm riêng của cốm Nghĩa Đô.

Phong tục làm cốm của người Tày ở Nghĩa Đô là nét văn hóa cổ truyền có từ lâu đời. Dù mùa màng bận rộn đến mấy, người dân bản Tày cũng không quên hương vị thơm nồng của cốm mùa thu, một đặc sản bấy lâu nay người dân nơi đây vẫn tự tay mình chế biến để làm giàu vốn văn hóa ẩm thực bản mình.

Vì vậy, mỗi khi mùa gặt về, những bản làng còn dậy lên cả không khí tấp nập, đông vui làm cốm. Vào mùa làm cốm, những bà, những chị trong bản dậy từ rất sớm để ra nương chọn hái những bông lúa nếp bánh tẻ mang về để làm cốm kịp đi chợ phiên ngày chủ nhật.

Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô  - ảnh 3
Lúa nếp làm cốm được chế biến thủ công theo cách riêng của người Tày ở Nghĩa Đô

Người Tày có bí quyết riêng để làm ra hạt cốm dẻo thơm, nên họ cẩn thận từ công đoạn đào lò, chọn lúa bánh tẻ đủ độ để làm cốm, lựa ống nứa sạch, kỹ thuật giã cốm cũng phải lựa đều tay, để hạt cốm mềm và dẻo.

Sau khi tạo ra hạt cốm dẻo thơm, phụ nữ Tày Nghĩa Đô còn khéo léo làm ra những món ẩm thực truyền thống từ hạt cốm dẻo thơm, nào là cốm giã nguyên hạt, cốm rang, bánh cốm, lam cốm, cháo cốm vịt.

Các món ăn làm từ cốm đảm bảo dinh dưỡng, vị dẻo, hương thơm đặc trưng của giống nếp bản địa cấy tại Nghĩa Đô.

Theo truyền thống của người Tày ven dòng Nậm Luông từ xa xưa, người ta chọn vụ mùa để làm lễ ăn cơm mới, khi các gia đình bước vào vụ thu hoạch lúa chín. Từng nhà tổ chức ăn cơm mới theo quy mô gia đình, họ hàng, làm xóm ở gần giúp nhau gặt đổi công và mời nhau ăn cơm mới.

Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô  - ảnh 4
Phụ nữ Tày đã khéo léo làm ra những món ẩm thực truyền thống từ hạt cốm dẻo thơm, nào là cốm giã nguyên hạt, cốm rang, bánh cốm, lam cốm, cháo cốm vịt...

Trong đó, để mừng cho thành quả của những tháng ngày một nắng hai sương vất vả, đón một mùa vụ bội thu, nông dân thường làm món cốm để ăn, cũng như dâng cúng tổ tiên…

Việc dâng lễ cốm lên Đền Nghĩa Đô không chỉ tưởng nhớ ghi công ơn những người có công với bản làng, còn mang nét đẹp văn hóa để cảm ơn Thần lúa, cảm ơn trời đất đã cho một mùa bội thu. Nhà nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ thật đẹp để dâng lễ. 

Ngày nay, món ăn truyền thống này đang trở thành thứ quà hấp dẫn mỗi khi đến Nghĩa Đô vào tiết trời thu dịu mát. Đặc sản cốm ở bản Tày là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân được kết tinh từ lúa non với hương vị đất trời và sương sớm.

Lễ dâng cốm của người Tày Nghĩa Đô  - ảnh 5
Đặc sản cốm ở bản Tày là món quà thiên nhiên ban tặng người nông dân được kết tinh từ lúa non với hương vị đất trời và sương sớm

Thay vì gói cốm trong lá sen theo kiểu người Hà Nội, cốm Nghĩa Đô được gói bằng lá dong xanh, vừa giữ được độ ẩm của cốm lại lưu giữ được mùi thơm của lúa.

Không chỉ bảo tồn nghề truyền thống, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, nghề làm cốm thủ công truyền thống và nghi lễ dâng cốm Đền Nghĩa Đô được đồng bào Tày nơi đây duy trì hằng năm, còn có ý nghĩa tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần ổn định sinh kế cho cộng đồng người Tày và phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Nghĩa Đô.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc