Huyện Na Rì (Bắc Kạn):

Truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” của người Tày

QUỲNH VY; ảnh: NGỌC OÁNH

VHO - Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn vừa tổ chức lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát”- một điệu múa cổ của người Tày tại xã Cường Lợi.

Truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” của người Tày  - ảnh 1
Lớp tập huấn nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn huyện Na Rì

Nghệ thuật trình diễn "Múa bát" của người Tày ở Bắc Kạn được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với tiết tấu âm nhạc đơn giản, ngôn ngữ múa đơn giản thu hút được sự tham gia của nhiều lứa tuổi, thường được biểu diễn trong dịp Tết, lễ hội truyền thống của người Tày.

Năm 2022, với những giá trị văn hóa độc đáo riêng có, Bộ VHTTDL đã công nhận nghệ thuật trình diễn "Múa bát" của người Tày Bắc Kạn là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Những động tác trong "Múa bát" của người Tày thường mang tính linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và sự đồng bộ giữa những người bạn diễn.

Mô tuýp chủ đạo thường xuất hiện trong "Múa bát" thường mô phỏng cảnh sinh hoạt lao động, tái tạo cảnh vật thiên nhiên, hình ảnh muông thú hoặc các sự tích hay truyền thuyết dân gian. Mỗi động tác, mỗi bước nhảy đều mang theo một thông điệp, một câu chuyện hoặc một cảm xúc sâu sắc. Qua từng động tác múa, từng bước nhảy trên sân khấu không chỉ là hình ảnh một nghệ thuật truyền thống, mà còn là một hành trình sâu lắng khám phá về tâm hồn và triết lý sống của đồng bào dân tộc Tày. 

Truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” của người Tày  - ảnh 2
"Mú bát " luôn có sức hút và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng

Hiện, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều CLB, đội văn nghệ dân gian được thành lập đã kết nối những người đam mê, yêu thích "Múa Bát" để sinh hoạt, giao lưu, tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở và phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Thời gian qua, loại hình di sản này đã phát huy những giá trị vốn có, tạo được sức hút và lan tỏa rộng rãi, được tiếp nhận một cách tự nhiên trong cộng đồng.

Truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” của người Tày  - ảnh 3

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn Bắc Kạn, mới đây Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Na Rì đã tổ chức lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” cho 22 học viên dân tộc Tày là những người yêu thích văn nghệ đang sinh sống trên địa bàn xã Cường Lợi. Qua đó, góp phần quan trọng để loại hình nghệ thuật đặc sắc "Múa bát" tiếp tục được duy trì và phát triển trong đời sống đương đại.

Tại lớp tập huấn, nghệ nhân Phan Thị Xuyến đã trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn chi tiết và hoàn chỉnh bài "Múa bát" cho các học viên, nhất là các học viên trẻ nhằm gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Kết thúc tập huấn, các học viên đã thực hành nhuần nhuyễn cách thức trình diễn điệu “Múa bát”  và nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc dân tộc Tày.

Truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa bát” của người Tày  - ảnh 4
Tham gia tập huấn là những người yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc Tày tại xã Cường Lợi

Theo Ban tổ chức, lớp truyền dạy là hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về "Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2030", từng bước lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo tiền đề để địa phương tổ chức, nhân rộng loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch tại địa phương.