Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Dự án 6

NGUYỄN THỊ HẢI NHUNG (Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc)

VHO - Văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, những kết quả đạt được từ các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã góp phần tích cực tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

 Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Dự án 6 - ảnh 1
Việc thực hiện hiệu quả Dự án 6 đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các địa phương thụ hưởng

 Nhiều hoạt động thiết thực

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/ QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ VHTTDL được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với 19 nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng, qua đó đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4); mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La...

Nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được tổ chức, phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; các làng, bản, buôn truyền thống của các dân tộc đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư, bảo tồn, gắn phát triển du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.

Tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long…

 Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Dự án 6 - ảnh 2
Bảo tồn, phát huy nghề may trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú bản Kéo, xã Pá Khoang, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Định kỳ tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; Giao lưu văn hóa từng dân tộc như Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao..; Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc khu vực phía Bắc; Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện với cách làm phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc theo từng giai đoạn. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại thôn, làng, bản, ấp... đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tới nhân dân và du khách. Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, như: Mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc... Nhờ đó, thời gian qua vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến và đổi mới rõ nét về cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và văn hóa xã hội; trình độ học vấn và dân trí; đời sống vật chất và tinh thần; trật tự an ninh xã hội; bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc…

Các hoạt động đã góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

 Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Dự án 6 - ảnh 3
Đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch Nhà sàn 9 gian xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Cần tiếp tục đổi mới

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài, tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc; đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chú trọng thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền và từng dân tộc.

Tăng cường các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Hỗ trợ đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước.

Các địa phương thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai có hiệu quả Dự án 6. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu của Chương trình đã đề ra. Chú trọng xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, du lịch, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình; bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp; vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng…