Sẵn sàng cho cuộc điều tra 53 DTTS năm 2024

TRUNG BÌNH

VHO - Bắt đầu từ ngày 1.7, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế-xã hội (KTXH) 53 dân tộc thiểu số (DTTS) trên phạm vi cả nước. Kết quả của cuộc điều tra là căn cứ quan trọng để xây dựng chính sách phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.

Sẵn sàng cho cuộc điều tra 53 DTTS năm 2024 - ảnh 1

Bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, là vùng 5 “nhất”: cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; quốc phòng, an ninh tiểm ẩn nhiều nguy cơ nhất.

Chính vì vậy, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đánh giá sơ bộ của các địa phương, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được một số kết quả tích cực như: cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện, đã có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 5/52 tỉnh, thành phố đạt mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; 31/52 tỉnh, thành phố đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 38/52 tỉnh, thành phố đạt trên 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 27/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 29/52 tỉnh, thành phố đạt và vượt 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 25/52 tỉnh, thành phố đạt 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết. 16/52 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định trên 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 14/52 tỉnh, thành phố Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…

Cùng với đó, các vấn đề về giáo dục, y tế, an sinh xã hội của đồng bào dân tộc đã và đang ngày càng nâng cao: 36/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; 36/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%; 32/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ học trung học cơ sở trên 95%; 32/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ học trung học phổ thông trên 60%; 33/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%...

Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác tình hình đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau 4 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần dựa vào kết quả Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.

Nhằm thực hiện thành công Điều tra 53 DTTS năm 2024, từ đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc trong công tác chuẩn bị, từ xác định nội dung điều tra, thiết kế mẫu phiếu điều tra và mẫu tổng hợp kết quả điều tra, xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát và cập nhật địa bàn điều tra, chuẩn bị cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát…

Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc Điều tra, Tổng cục Thống kê đã và đang tích cực xây dựng và hoàn thiện các chương trình phần mềm ứng dụng (gồm: Chương trình thu thập thông tin, Chương trình khai thác, công bố kết quả; Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số), giúp tăng cường quản lý điều tra, rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu với độ chính xác cao hơn để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.

Đây là cuộc điều tra về thực trạng kKTXH của các dân tộc thiểu số nên địa bàn điều tra chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, rất khó khăn cho tổ chức điều tra thống kê, từ công tác tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số đến khâu thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra.

Thời gian thu thập thông tin kéo dài trong 45 ngày, do đó công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Đầu tháng 52024, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chủ chốt tham gia thực hiện cuộc điều tra, những bài tập tình huống cụ thể, những trường hợp đặc biệt cần lưu ý đã được các giảng viên đưa ra làm ví dụ minh họa và thống nhất xử lý tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau hội nghị tập huấn cấp Trung ương, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cấp tỉnh, cấp huyện cho các điều tra viên, giám sát viên để có các kỹ năng tốt nhất trong thực hiện điều tra.

Nhằm đảm bảo chất lượng cuộc điều tra, Tổng cục Thống kê rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra ngay từ ngày đầu tiên của cuộc điều tra (1.7.2024), nhất là công tác kiểm tra, giám sát quá trình thu thập thông tin tại địa bàn.

Việc kiểm tra, giám sát thực hiện phiếu điều tra được thực hiện kết hợp đồng thời cả hai hình thức trực tiếp tại địa bàn điều tra và trực tuyến trên hệ thống trang web điều hành để kịp thời xử lý những sai sót, lỗi phát sinh nếu có.

Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch của các đoàn giám sát Trung ương nhằm nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời đến các địa bàn điều tra.Công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng trong tổ chức thực hiện Điều tra 53 DTTS năm 2024.

Để đồng bào DTTS hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin cho điều tra viên, Tổng cục Thống kê đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Trung ương và địa phương.

Điều tra 53 DTTS là một trong những cuộc điều tra quan trọng của ngành Thống kê năm 2024 và nhận được sự quan tâm rất lớn của Lãnh đạo các địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh thực hiện nghiêm túc Điều tra 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn.

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Điều tra 53 DTTS năm 2024 đã hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ ra quân vào sáng ngày 1.7 sắp tới.

Theo Kế hoạch, Lễ ra quân Điều tra 53 DTTS năm 2024 cấp Trung ương diễn ra vào sáng ngày 1.7.2024 tại UBND xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Quốc Phương, lãnh đạo Tổng cục Thống kê; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; cùng đại diện già làng, điều tra viên tại Hòa Bình.

Cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 1.7 đến 15.8.2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là TP.HCM, Long An và Hà Tĩnh).