Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống

HÀ ANH - VÂN KHÁNH

VHO - Là một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua huyện Định Hóa đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 1

 Công tác truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống được huyện Định Hóa thực hiện có hiệu quả

 Ghi nhận tại xã Phúc Chu, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó phải nhắc đến là việc gìn giữ, phát huy điệu Pả dung của người Dao ở xóm Làng Gầy. Pả dung nghĩa là ca hát, đây là hình thức sinh hoạt văn nghệ đời thường đặc sắc của đồng bào người Dao. Pả dung dùng trong sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu dựa vào tài ứng biến của người hát. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà một chủ đề hát có những câu từ, lời ca khác nhau. Có thể cùng một nội dung muốn thể hiện nhưng khi được truyền tải qua lời Pả dung thì câu chữ mềm mại, ý nhị, thể hiện sự tinh tế của người hát.

Ông Ôn Văn Chung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Chu thông tin: “Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn đã được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã. Đặc biệt, điệu Pả dung của người Dao ở xóm Làng Gầy đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, các thành viên của nhóm vẫn duy trì sinh hoạt và thường xuyên phối hợp với các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ khác để tổ chức giao lưu, biểu diễn trong nhiều sự kiện. Xã Phúc Chu cũng đã thành lập Câu lạc bộ dân ca các dân tộc và hoạt động thường xuyên…”.

Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống - ảnh 2

Điệu Pả dung của người Dao ở Định Hóa được gìn giữ, phát huy

Tương tự, ở xã Phú Đình nơi có đông đồng bào Sán Chay sinh sống, người dân vẫn giữ gìn được nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc như hát Sấng cọ (còn gọi là hát Lưu Tam), trình diễn dân gian nhảy Tắc xình và nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, đánh cù, đánh khăng, đi cà kheo, nhảy sạp...

Bên cạnh đó, người Sán Chay nơi đây lưu giữ được kho tàng truyện cổ, tục ngữ, thành ngữ, dân ca phong phú, chủ yếu là truyền miệng được người già kể lại.

Ở CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay ở xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình, dù bận công việc đến đâu, các thành viên CLB vẫn luôn dành thời gian tham gia sinh hoạt, cất cao lời ca tiếng hát, cùng nhau ôn luyện, nhảy điệu Tắc Xình khỏe khoắn, vui tươi. Trong các buổi sinh hoạt, mọi thành viên đều ý thức sử dụng tiếng dân tộc và trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Chị Âu Thị Tươi, thành viên của CLB chia sẻ: “Mỗi thành viên chúng tôi đều luôn ý thức rất rõ trách nhiệm và niềm tự hào đối với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc Sán Chay. Chính vì thế, không chỉ cùng nhau sinh hoạt, các thành viên CLB còn quan tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu nhảy dân gian truyền thống của cha ông để lại. Đây chính là bản sắc và tài sản vô giá truyền lại cho thế hệ mai sau”.

Có thể thấy, việc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được chính quyền các cấp và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Hóa đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại địa phương. Cụ thể, nhiều năm qua, huyện Định Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của các CLB, cũng như hỗ trợ các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, truyền dạy văn hóa trong cộng đồng; hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống trên địa bàn...

Trước đó, huyện Định Hóa cũng đã ban hành và triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” xác định tổng kinh phí thực hiện cần huy động là gần 353 tỉ đồng, phần lớn là huy động xã hội hóa để tạo sức bật cần thiết biến văn hóa truyền thống thành sản phẩm phục vụ chính cộng đồng các dân tộc.

Theo đề án, nguồn kinh phí này sẽ tập trung đầu tư phát triển 3 sản phẩm du lịch gồm: Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc; du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa, sinh thái, văn hóa trà tại xóm Phú Ninh và Khuôn Tát, xã Phú Đình và du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh và Thâm Bây (xã Quy Kỳ). Đồng thời tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa; phát triển nguồn nhân lực…

Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa cho biết: “Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo, khôi phục. Các giá trị văn hóa tinh thần cũng được khuyến khích phát triển… Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, từng bước góp phần quan trọng giúp bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây”.