Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch (Bài cuối):
Những người luôn đi đầu
VHO - Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đã khơi dậy tình yêu giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Các nghệ nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc miệt mài đi khắp các buôn, làng để truyền dạy cho nhiều học trò về những nghi thức, lễ hội và các nghề thủ công truyền thống, giúp các giá trị văn hóa của dân tộc sống mãi với thời gian.
Đòn bẩy từ dự án 6
Ở mỗi vùng miền, nghệ nhân luôn là những người đi đầu trong việc giữ gìn và truyền dạy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Điển hình như nghệ nhân Hồ Ngọc An (70 tuổi) ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), một người đã gắn bó suốt hơn ba thập kỷ với công việc bảo tồn văn hóa dân tộc Cor.
Với ba thế hệ tham gia, gia đình nghệ nhân An đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ những kỹ năng đánh chiêng, múa cà đáo, hát các làn điệu truyền thống. Nghệ nhân An chia sẻ: “Gia đình là cái gốc của xã hội, muốn bảo tồn văn hóa dân tộc trước hết phải từ trong gia đình”.
Dự án 6 đã cung cấp một loạt các hỗ trợ quan trọng đối với các nghệ nhân trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Một trong những hỗ trợ nổi bật là việc tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho các nghệ nhân, giúp họ nâng cao tay nghề cũng như phương pháp truyền dạy.

Các lớp tập huấn này không chỉ giúp các nghệ nhân bảo tồn được các nghề thủ công truyền thống, mà còn giúp họ phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ cho ngành du lịch, từ đó tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng.
Tại Bình Định, Sở VHTTDL tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn về di sản văn hóa phi vật thể và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, trống K’toang của đồng bào Chăm Hroi.
Tại Kon Tum, Dự án hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm cơ hội tham gia vào công việc truyền thống và nâng cao thu nhập.
Dự án không chỉ hỗ trợ nghệ nhân trong việc bảo tồn và truyền dạy văn hóa, mà còn tạo ra một cơ chế để sản phẩm văn hóa truyền thống có thể trở thành sản phẩm du lịch.
Những sản phẩm thổ cẩm, các món quà lưu niệm truyền thống, những trải nghiệm về các lễ hội đã được tổ chức tại nhiều địa phương góp phần thu hút du khách.
Hướng đi mới của nhiều địa phương
Các tỉnh miền núi như Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi... đã khéo léo kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Nam Giang (Quảng Nam) là một ví dụ điển hình, khi họ tổ chức các lễ hội, đồng thời tái hiện nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, Triêng, Ve tạo nên một không gian du lịch đậm chất văn hóa.
Trong khi đó, tại các xã vùng cao huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), các nghệ nhân như ông Hồ Ngọc An cũng đã tham gia vào việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, từ lễ hội đến những môn nghệ thuật dân gian như đánh chiêng, múa dân gian.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết: “Dự án 6 đã giúp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum phát triển mạnh mẽ hơn.
Các nghệ nhân không chỉ được đào tạo thêm kỹ năng, mà còn được tiếp cận với các cơ hội hợp tác du lịch, giúp di sản văn hóa của địa phương được biết đến nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đánh giá, thời gian qua những kết quả đạt được từ các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã góp phần tích cực tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Làm phong phú đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.
Các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức, phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; các bản, làng, buôn truyền thống của các dân tộc đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư, bảo tồn, gắn phát triển du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.
“Dự án 6 đã chứng minh được vai trò to lớn của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ cho cộng đồng mà còn cho toàn xã hội. Chính sự hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng và các tổ chức đã tạo nên những bước đi vững chắc trong việc kết nối bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Những sản phẩm văn hóa, từ nghề thủ công, lễ hội truyền thống, đến các món quà lưu niệm đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế bền vững cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Nhung nhấn mạnh.