Người Thái ở Yên Nhân giữ hồn khặp giữa đại ngàn
VHO - Từ trong lớp sương mờ giăng khắp núi đồi, bản làng Yên Nhân (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) hiện ra như một bức tranh bình yên. Nơi đây, đồng bào Thái vẫn ngày ngày gìn giữ và truyền dạy khặp – làn điệu dân ca mộc mạc nhưng sâu sắc, như mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy. Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể độc đáo này gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi ở bản làng nơi đây.
Khặp – mạch sống văn hóa người Thái
Từ thị trấn huyện Thường Xuân, phải vượt hơn 50 km đường đồi dốc mới đến được xã miền núi cao Yên Nhân, nơi có gần 99% dân số là đồng bào dân tộc Thái.
Không ồn ào, náo nhiệt, Yên Nhân hiện ra trong nhịp sống chậm rãi, người dân chân chất, tình cảm.

Theo chân người dẫn đường đến thôn Na Nghịu, bản xa trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp những con người vẫn ngày đêm gìn giữ khặp (hay còn gọi là khắp) dân ca cổ của người Thái.
Đây cũng là nơi có nhiều nghệ nhân biết thổi khèn bè, sáo ôi và hát khặp nhất xã.
Gặp ông Vi Quốc Tuyển, nghệ nhân thổi khèn bè và Phó Chủ nhiệm CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái thôn Na Nghịu, ông giới thiệu: “Khặp là lối hát kể chuyện, tâm tình, chúc tụng… Người ta khặp bằng những bản trường ca, bài thơ truyền miệng. Quan trọng hơn, khặp là sự ứng tác là nơi người nghệ nhân thể hiện tài năng và tâm hồn của mình”.
Khặp hiện diện trong hầu hết các sinh hoạt đời sống của người Thái: từ sinh nở, cưới hỏi, mừng nhà mới đến lễ hội, giao duyên. Người ta khặp để mời rượu, chúc nhau mùa màng bội thu, hay bày tỏ tình cảm lứa đôi:
“Tôi chúc cho đồng ruộng mường chị mùa màng bội thu... Nhìn thấy cái áo muốn thử mặc, thấy chiếc khăn muốn cất... Muốn đưa mắt sợ có người ghen…”
Ở Yên Nhân, mỗi buổi sinh hoạt văn nghệ đều là dịp khặp ngân vang giữa tiếng khèn bè và sáo ôi. Nghệ nhân Vi Quốc Tuyển với tiếng khèn sâu lắng, nghệ nhân Lữ Minh Duân thổi sáo ôi như gió rừng, và nghệ nhân Vi Thị Muôn với giọng khặp ngọt ngào đã tạo thành “tam tấu” khiến người nghe say mê, chẳng muốn rời.
Bà Muôn chia sẻ: “Tôi chẳng nhớ học khặp từ khi nào. Nghe ông bà, cha mẹ hát mà thấm vào tim. Lớn lên theo các cuộc vui, rồi cứ thế mà biết, mà yêu”.
Gìn giữ khặp trong thời hiện đại
Nhằm gìn giữ di sản này, CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái thôn Na Nghịu được thành lập với 25 thành viên, gồm cả nghệ nhân và người trẻ. Ngoài biểu diễn, CLB còn tổ chức truyền dạy khặp, khèn bè, sáo ôi cho thế hệ kế cận.
Tuy nhiên, việc bảo tồn gặp không ít khó khăn. “Người biết thổi khèn bè chỉ còn một mình ông Tuyển. Trong khi đó, chi phí làm khèn lại cao, không dễ mua. Việc truyền dạy cũng cần thời gian, tâm huyết và nguồn lực”, bà Lương Thị Trọng – công chức văn hóa xã Yên Nhân – chia sẻ.
Dù đôi lúc cảm thấy buồn lòng vì ít người trẻ thật sự quan tâm đến khặp, các nghệ nhân vẫn kiên trì. “Bây giờ làm đã khó, để sau này làm càng khó. Nên dù khó cũng phải làm. Làm vì đam mê, vì yêu và vì tự hào”, ông Tuyển nói và cho biết: Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể độc đáo này gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi ở bản làng nơi đây.
Khặp không chỉ là âm nhạc, mà là biểu đạt tâm hồn, triết lý sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của người Thái ở xứ Thanh. Giữ khặp chính là giữ lấy hồn cốt của cả một cộng đồng.