Xòe Thái – Vũ điệu kết nối cộng đồng nơi non cao xứ Thanh
VHO - Không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống, xòe Thái còn là “sợi dây văn hóa” gắn kết cộng đồng, thu hút du khách đến với các bản làng miền Tây Thanh Hóa, nơi âm vang núi rừng hòa quyện cùng nhịp xòe uyển chuyển của đồng bào Thái.
Vũ điệu của núi rừng và lòng người
Về với miền Tây xứ Thanh trong hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa vùng cao, du khách khó có thể bỏ qua trải nghiệm hòa mình vào những vòng xòe rộn ràng bên ánh lửa bập bùng tại các bản làng người Thái.

Trong không gian ấy, những thanh âm của cồng chiêng, tiếng khèn, lời hát truyền thống và sắc màu rực rỡ của trang phục thổ cẩm quyện hòa, tạo nên một bức tranh sinh hoạt cộng đồng đậm đà bản sắc.
Xòe Thái là loại hình sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái khu vực miền núi Thanh Hóa, gắn bó mật thiết với phong tục, nghi lễ, lễ hội và cả những sinh hoạt thường nhật.
Trải qua bao thế hệ, điệu xòe vẫn giữ nguyên giá trị gắn kết cộng đồng và nay trở thành một “đặc sản” văn hóa thu hút du khách khi về với Pù Luông, Bá Thước hay các bản làng vùng cao Quan Hóa, Quan Sơn.
Pù Luông – Nơi những vòng xòe thắp lửa văn hóa
Tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước), bốn mùa trong năm, đồng bào Thái đều tổ chức múa xòe phục vụ du khách.
Mỗi buổi tối, khi màn đêm buông xuống giữa núi rừng, không gian nơi đây bừng sáng bởi ánh lửa trại, những vòng xòe nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng nhạc dân tộc và tiếng vỗ tay rộn ràng, như một lời mời gọi chan chứa nghĩa tình.
Không chỉ trong các lễ hội truyền thống, múa xòe nay đã trở thành hoạt động thường nhật tại các bản làng của huyện Bá Thước. Các tổ, đội văn nghệ được thành lập nhằm bảo tồn, biểu diễn nghệ thuật xòe phục vụ khách du lịch.
Theo ông Trương Văn Minh – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bá Thước, người Thái nơi đây quan niệm: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Xòe là phải vui, càng đông càng tốt, để đất trời giao hòa, mùa màng no đủ, lòng người gắn kết.
Đến nay, nghệ nhân người Thái đã sưu tầm, gìn giữ hơn 36 điệu xòe, trong đó có 6 điệu xòe cổ làm nền tảng. Mỗi điệu đều ẩn chứa thông điệp nhân văn sâu sắc.
Chẳng hạn, điệu xòe vòng biểu trưng cho sự đoàn kết cộng đồng; khắm khăn mới lảu thể hiện lòng hiếu khách; phá xí là tinh thần tương trợ bốn phương; xòe đổn hôn mang triết lý về sự tiến lùi trong cuộc sống; nhuôm khăn ca ngợi lao động sáng tạo; còn ỏm lọp tốp mư thể hiện khát vọng cùng nhau dựng xây bản làng no ấm, chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù.
Không chỉ ở Bá Thước, mà cả tại Quan Hóa, Quan Sơn, mỗi đêm hội bản đều là dịp để xòe Thái tỏa sáng.
Trong trang phục truyền thống, những cô gái Thái duyên dáng, tung khăn thổ cẩm theo nhịp múa, tay nắm tay nối dài vòng xòe, khiến bất cứ du khách nào cũng muốn hòa mình vào không khí tưng bừng ấy.
Di sản của cộng đồng, niềm tự hào nhân loại
Với những giá trị văn hóa đặc sắc và sức sống bền vững, năm 2013, xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, ngày 15.12.2021, UNESCO chính thức ghi danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sự công nhận này không chỉ khẳng định giá trị của nghệ thuật xòe Thái trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mà còn là minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật độc đáo này trên trường quốc tế.
Đây là niềm tự hào của người Thái nói riêng, cũng như của xứ Thanh và Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Từ những vòng xòe bên đống lửa ở miền Tây xứ Thanh, nghệ thuật xòe Thái đã và đang viết tiếp câu chuyện bản sắc và tinh thần Việt trên bản đồ di sản văn hóa nhân loại.