Người có uy tín bảo tồn văn hóa Ba Na Kriêm
VHO - Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na Kriêm. Tại vùng cao, miền núi tỉnh Bình Định họ là những người được cộng đồng tôn trọng và có kiến thức sâu rộng về lịch sử, phong tục tập quá, và các nghi lễ truyền thống.
Những người có uy tín thường dẫn dắt cộng đồng thực hiện các hoạt động văn hóa như lễ hội, kể truyện dân gian và bảo tồn ngôn ngữ Ba Na Kriêm từ đó giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Như đồng bào các DTTS khác, bản sắc văn hoá của đồng bào Ba Na Kriêm huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) được hình thành trong quá trình lao động, phát triển sản xuất và thể hiện những nét đặc sắc riêng của mình.
Trong quá trình đó, đồng bào Ba Na Kriêm đã làm phong phú đời sống tinh thần bằng những bài Sử thi - Hơmon, dân ca Ba Na, các nhạc cụ truyền thống như: T’rưng, pơlơngkhơng, đàn, sáo; nghề dệt thổ cẩm, đan lát, các trò chơi dân gian; các nghi lễ, lễ hội truyền thống như: Lễ ăn cốm lúa mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ đặt tên...
Từ những đời sống văn hoá truyền thống đó đã cố kết cộng đồng, với sự quý trọng lao động, cần cù, yêu thiên nhiên của đồng bào Ba Na.
Cũng như người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương ở xã Vĩnh Sơn, được nhân dân tín nhiệm. Ngoài gương mẫu, đi đầu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông còn tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
“Tôi luôn tâm niệm văn hoá truyền thống là sức mạnh tinh thần, là cội nguồn tập hợp, đoàn kết các dân tộc. Để gìn giữ và tiếp tục phát huy, tôi đã sáng tác các bài dân ca Ba Na, đưa nhạc cụ truyền thống vào biểu diễn tại các sự kiện thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cổ vũ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi" - Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương bày tỏ và cho biết, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, tôi luôn suy nghĩ việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Ba Na là phải do chính cộng đồng Ba Na gìn giữ và phát huy.
Theo nghệ nhân, để bản sắc văn hoá đồng bào Ba Na Kriêm tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, ngoài công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành, thì các nghệ nhân, người uy tín trong đồng bào DTTS phải phát huy vai trò trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình; cần dành thời gian hướng dẫn, nhất là bằng hình thức truyền miệng và hướng dẫn trực tiếp.
Cùng với đó nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ Cồng chiêng, đội văn nghệ tại các thôn, làng; tiếp tục quảng bá nhạc cụ Cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống, quảng bá truyền thống văn hoá, ẩm thực của đồng bào Ba Na vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vừa thu hút và phục vụ khách tham quan, du lịch tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Yang Danh nhìn nhận, những người có uy tín không chỉ là “kho tàng sống” của văn hóa dân tộc mà còn là cầu nối quan trọng giúp cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các chương trình bảo tồn văn hóa do Đảng, Nhà nước thực hiện và luôn là người đầu tiên khuyến khích mọi người cùng tham gia vào việc giữ gìn di sản của dân tộc mình.
Gần đây tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Định lần thứ IV - năm 2024, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị, Bình Định tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-20230 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Thứ trưởng Y Thông mong mốn Bình Định cần quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người DTTS; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường… góp phần xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định giờ đây đã có những đổi mới tích cực. Sự đổi thay này đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào DTTS sản xuất giỏi, không ít những già làng, trưởng thôn đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng yêu cầu, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác, chính sách dân tộc. Song song với đó là phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của các dân tộc trong sản xuất và đời sống; tăng cường vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng khu dân cư đoàn kết, phát triển.