Nghĩa tình nơi biên giới…

VĨNH QUÝ

VHO - Suốt nhiều thập kỷ qua, mặc dù sống trong điều kiện hết sức khó khăn giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn kiên trì bám trụ nơi mảnh đất biên cương. Hành trình mưu sinh và gìn giữ bản sắc nơi đại ngàn của họ luôn thấm đẫm những gian truân, thử thách tưởng như bất tận…

Chuyện ở “ốc đảo” giữa đại ngàn

Xã Thượng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) là xã biên giới ở phía Tây tỉnh Quảng Bình, nơi đây từng được ví như “ốc đảo” giữa đại ngàn Trường Sơn bởi điều kiện khó khăn. Trước đây, để về được trung tâm huyện, bà con Ma Coong phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, vượt suối, băng đèo hiểm trở. Những khó khăn đó được thấy rõ vào mùa mưa lũ, các bản, các làng đều bị cô lập với nhau bởi dòng nước suối chảy xiết và khó khăn hơn khi họ bị cô lập gần như hoàn toàn với “thế giới” bên ngoài.

Nghĩa tình nơi biên giới… - ảnh 1
Bản mới của đồng bào Ma Coong

Trước những năm 2000, nguồn sống của đồng bào Ma Coong chủ yếu dựa vào nương rẫy và săn bắt hái lượm. Với phương thức canh tác lạc hậu, đất đai bạc màu, năng suất thấp, cái đói cái nghèo cứ đeo bám mãi. Không ít hộ gia đình trong bản quanh năm chỉ trông chờ vào hạt gạo cứu đói, cuộc sống bấp bênh theo từng mùa nắng hạn hay mưa lũ.

Ông Đinh Phôi, trưởng ban công tác Mặt trận bản Cu Tồn nghẹn ngào chia sẻ: Nhiều năm trước đây, cuộc sống của bà con quá khó khăn, việc thiếu đói diễn ra hàng ngày nên bà con phải vào rừng kiếm măng rừng, cá suối, mùa nào được mùa thì ăn no, còn không thì chịu đói. Cái khổ nhất là những năm giáp hạt, cả bản phải đi hái rau rừng mà sống.

Nghĩa tình nơi biên giới… - ảnh 2
Người dân vui mừng khi được ở trong căn nhà mới

 Suốt nhiều năm qua, nhiều hộ dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá ở các sườn núi, xung quanh những khúc suối là hình ảnh quen thuộc ở các bản Ma Coong. Khi bão về, những căn nhà ấy mong manh trước gió lớn, khiến người dân phải sống trong nơm nớp lo âu. Nhiều hộ gia đình, nhất là hộ nghèo, không có điều kiện để dựng nhà kiên cố, chỉ còn cách dựa vào cộng đồng hoặc tìm nơi trú tạm mỗi khi thiên tai ập đến.

Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của đồng bào Ma Coong, mạnh thường quân đã chung tay hỗ trợ bà con nơi ăn chốn ở kiên cố với mong muốn bà con được an cư, lạc nghiệp và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của mình. Hàng chục căn nhà mới kiên cố đã được xây dựng ở bản Cu Tồn, bản Cồn Rooàng… giúp bà con có nơi ăn chốn ở chắc chắn, tránh gió tránh mưa…

Khát vọng vươn lên cuộc sống

Anh Đinh Nưa ở bản Cóc xúc động nói: "Từ nhỏ tới giờ, gia đình tôi chỉ sống trong căn nhà tranh vách nứa, mùa mưa gió sợ lắm. Bây giờ có nhà mới, mái ngói chắc chắn, lòng tôi mừng lắm, đêm ngủ yên hơn, con cái học hành cũng đỡ lo. Cảm ơn nhà tài trợ, cảm ơn chính quyền đã giúp dân bản có được giấc mơ mà trước kia chỉ dám nghĩ tới".

Nghĩa tình nơi biên giới… - ảnh 3
Những phần quà ý nghĩa hỗ trợ bà con khi vào nhà mới

 Từ việc hỗ trợ của mặt trận đoàn thể các cấp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm chung tay “xóa mái nhà tạm” cho đồng bào Ma Coong là một chủ trương lớn không chỉ mang ý nghĩa an sinh, mà còn là động lực lớn để đồng bào Ma Coong yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Có nhà ở kiên cố, cuộc sống bà con sẽ dần ổn định, các chính sách hỗ trợ khác như giáo dục, y tế, kinh tế vì thế cũng được triển khai hiệu quả hơn…

Ông Nguyễn Quốc Hạnh, Chủ tịch MTTQVN huyện Bố Trạch tâm sự: Đây không chỉ là việc xây nhà, mà là xây dựng niềm tin, khơi dậy ý chí vươn lên cho đồng bào dân tộc. Bà con Ma Coong xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và chính những căn nhà mới sẽ là điểm tựa để họ vượt qua khó khăn, từng bước đổi thay cuộc sống.

“Chúng tôi rất xúc động trước sự quan tâm của các nhà hảo tâm, cách doanh nghiệp đã không quản ngại khó khăn, góp công góp sức để xây nên những ngôi nhà mới khang trang cho bà con đồng bào Ma Coong với mong mỏi cuộc sống an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa được tốt hơn trong thời gian tới”… ông Nguyễn Quốc Hạnh chia sẻ.

Nghĩa tình nơi biên giới… - ảnh 4

Bà Đinh Thị Mỹ Duyên ở Hà Nội đại diện các mạnh thường quân đã hỗ trợ xây dựng cho đồng bào Ma Coong những căn nhà kiên cố và hỗ trợ thêm nhiều phần quà thiết thực như: gạo, áo ấm, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt… Những món quà ấy, trong tiết trời lạnh giá của núi rừng, mang theo hơi ấm nghĩa tình sâu nặng.

"Chúng tôi tin rằng, mỗi căn nhà mới trao đi là một cơ hội được mở ra. Được tận mắt chứng kiến nụ cười rạng rỡ của các cụ già, ánh mắt háo hức của các em nhỏ khi bước vào nhà mới, giá trị của việc sẻ chia, cũng là trách nhiệm, là niềm tự hào của chúng tôi khi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”… bà Đinh Thị Mỹ Duyên tâm sự.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc