Gieo mầm văn hóa giữa đại ngàn Tây Nguyên:

Mỗi mái nhà là một bảo tàng sống

NGUYỄN LINH - NAM HƯNG

VHO - Từ tiếng chiêng ngân vang trong những buổi tập cuối tuần, sắc màu rực rỡ trên khung dệt thổ cẩm, đến những tràng cười giòn tan trong hội thi thể thao giữa đại ngàn, Gia Lai đang khơi lại mạch nguồn văn hóa trong từng nếp nhà, mái ấm, cộng đồng.

Mỗi mái nhà là một bảo tàng sống - ảnh 1
Một nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai được phục dựng, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên

Dưới cánh tay nâng đỡ của Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2021- 2025), những giá trị truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai đã được bảo tồn và sống dậy đầy tự hào.

Đây không đơn thuần là cuộc phục hưng di sản, mà là hành trình đánh thức tinh thần đoàn kết, là động lực để kinh tế địa phương và du lịch cộng đồng vươn mình từ chính cội rễ văn hóa - nơi gia đình là khởi nguồn của mọi kết nối bền chặt.

Hồi sinh mạch nguồn di sản từ mỗi nếp nhà

Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” do Sở VHTTDL Gia Lai tổ chức đã trở thành điểm hẹn thú vị cho người dân và du khách. Nếu như năm 2023 mới có 25 buổi biểu diễn thì đến năm 2024 đã tăng gần gấp đôi, với 46 buổi tại TP Pleiku và lan tỏa về các buôn làng xa xôi - nơi những mái nhà rông vẫn giữ gìn nhịp sống truyền thống, nơi ông bà kể chuyện văn hóa cho cháu con, nơi các gia đình cùng sum vầy trong tiếng chiêng, điệu múa và ký ức ngàn đời...

Giai đoạn 2023-2024, hàng chục lớp truyền dạy di sản phi vật thể như chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dân ca... đã được mở, truyền nghề cho hàng trăm học viên người Bahnar, Jrai.

Năm 2024, các Nghệ nhân Ưu tú tiêu biểu như Ksor Krôh, Đinh Bri, Đinh Thị Hiền… đã trực tiếp hướng dẫn 35 học viên tại các huyện Kông Chro, Kbang, Chư Păh - những vùng từng đối mặt với nguy cơ mai một tiếng chiêng.

Chia sẻ từ Nghệ nhân Ưu tú Ksor Krôh: “Tượng gỗ là linh hồn buôn làng. Nay có lớp trẻ chịu học, tôi yên tâm lắm...!” - chính là tiếng lòng của hàng chục nghệ nhân đang được Dự án 6 hỗ trợ phương tiện, kinh phí để tiếp tục sứ mệnh “truyền lửa” văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không gian di sản cộng đồng đang dần mở rộng, lan tỏa từ buôn làng đến quảng trường, bảo tàng. CLB nữ cồng chiêng làng Leng (Kbang), mô hình “Sắc màu văn hóa Gia Lai” với nhà rông, cây nêu, thổ cẩm... được trình diễn sống động tại nhiều sự kiện; 22 buổi giới thiệu văn hóa đã được tổ chức, trong đó có nhiều chương trình dành riêng cho những đối tượng yếu thế như trẻ em làng SOS, người khuyết tật...

Từ năm 2022 đến nay, Dự án 6 đã góp phần hình thành 6 CLB văn hóa dân gian tại các huyện như Kbang, Ayun Pa, Chư Păh, Krông Pa, Ia Pa… Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng thành công, như Lễ mừng lúa mới ở làng Ia Gri (nay là xã Biển Hồ), đi kèm các sản phẩm truyền thông sáng tạo: Phim tài liệu, truyện tranh về di sản - hướng đi mới để văn hóa chạm tới giới trẻ.

Với tổng nguồn vốn gần 90 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2022-2025, Dự án đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động: Phục dựng một làng truyền thống tiêu biểu, hỗ trợ gần 100 đội văn nghệ dân gian, tổ chức hơn 70 buổi trình diễn cồng chiêng, 10 hội thi thể thao dân tộc, xây dựng 25 tủ sách cộng đồng với hơn 6.000 đầu sách, mở hàng chục lớp tập huấn cho gần 200 học viên và hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ nghề cổ truyền.

Truyền thông và thông tin đối ngoại cũng là điểm nhấn nổi bật. Hàng chục bản tin, video clip song ngữ (Việt - Jrai - Bahnar) được sản xuất, phát hành rộng rãi đến vùng sâu vùng xa và biên giới.

Các phim tư liệu như Để văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, Du lịch cộng đồng - Kỳ vọng mới cho đồng bào Jrai... không chỉ lan tỏa hình ảnh Gia Lai mà còn thể hiện khát vọng phát triển bền vững từ nền tảng văn hóa bản địa.

Gắn kết văn hóa - thể thao - du lịch cộng đồng

Từ bảo tồn văn hóa đến thể thao truyền thống và phát triển du lịch, Dự án 6 đang mở ra một hướng đi toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai - nơi gia đình, cộng đồng và bản sắc văn hóa cùng đồng hành trên hành trình phát triển bền vững.

Mùa đông năm 2024, trong khuôn khổ Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya, hội thi thể thao đã quy tụ 158 vận động viên đến từ 10 xã, thị trấn, tái hiện không khí hội làng rộn ràng để bà con cùng hội tụ, cổ vũ, gìn giữ và truyền trao những giá trị văn hóa thiêng liêng.

Tiếp nối tinh thần ấy, Giải bóng đá 7 người dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức tại 6 huyện cùng TP Pleiku đã tạo nên một sân chơi vừa chuyên nghiệp, vừa gần gũi - nơi thể thao không tách rời văn hóa, mà trở thành chất keo gắn kết giữa các thế hệ, giữa gia đình và làng bản.

Lĩnh vực du lịch cộng đồng cũng đang ghi nhận chuyển biến tích cực. Từ năm 2023, các tour khảo sát và lớp tập huấn du lịch đã được triển khai tại Kbang, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Păh, TP Pleiku - trong đó có nhiều xã từng là vùng lõi nghèo. Hàng chục lớp đào tạo kỹ năng đã được tổ chức, giúp người dân - đặc biệt là phụ nữ, thanh niên - có cơ hội khởi nghiệp từ chính ngôi nhà, mảnh vườn, nét văn hóa bản địa của mình.

Năm 2024, Gia Lai tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quy tụ 40 đại biểu từ các hiệp hội, doanh nghiệp, phòng văn hóa. Cùng lúc, nhiều phim tài liệu giá trị như: Krông Pa - Khai mở tour du lịch cộng đồng, Để văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, Du lịch cộng đồng - Kỳ vọng mới cho đồng bào Jrai... ra đời, trở thành kênh truyền thông mạnh mẽ giúp định vị hình ảnh Gia Lai - điểm đến của trải nghiệm văn hóa sống động và chân thực.

Tuy vẫn còn không ít thách thức, nhưng tổng thể Dự án 6 đã cho thấy một bước tiến rõ rệt: Từ bảo tồn sang phát huy, từ giữ gìn sang phát triển, từ truyền thống hòa vào nhịp sống hiện đại mà không phai nhòa bản sắc.

Gia Lai đang kể lại một câu chuyện mới, nơi văn hóa không chỉ hiện diện trong bảo tàng hay lễ hội, mà sống trong từng mái nhà, từng sản phẩm thủ công, từng bữa cơm gia đình có tiếng chiêng, vị rượu cần và niềm tự hào bản sắc.

Hướng đến giai đoạn 2026-2030, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề xuất Trung ương tăng cường đầu tư chiều sâu cho văn hóa: Hỗ trợ nghệ nhân, nâng chất lớp truyền dạy, cải tạo thiết chế văn hóa - thể thao, đẩy mạnh truyền thông và truyền cảm hứng.

Đó là nguyện vọng chính đáng từ một vùng đất đang hồi sinh bằng chính mạch nguồn văn hóa - gia đình và cộng đồng của mình. Dự án 6 đã gieo những hạt mầm xanh giữa đại ngàn. Và hôm nay, từ mỗi mái nhà rông, những mầm xanh ấy đang vươn lên thành cánh rừng của hy vọng.