Gìn giữ tiếng chiêng Mường giữa đại ngàn Tây Nguyên

NHƯ TRANG

VHO - Với người Mường, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong những ngày lễ, hội, ngày cưới của lứa đôi... Từ xa xưa, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa, độc đáo, tham gia vào tất cả các hoạt động của đời sống người Mường. Vì vậy, người Mường coi cồng chiêng như là báu vật của dân tộc mình, gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác...

Gìn giữ tiếng chiêng Mường giữa đại ngàn Tây Nguyên - ảnh 1
Để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, người dân trong thôn tích cực đem tiếng cồng chiêng tới các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, các cuộc thi cồng chiêng

Chúng tôi tìm về thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (Gia Lai), cách thành phố Pleiku khoảng 65km, nơi cộng đồng người Mường đã tập trung sinh sống và lập nghiệp được hơn 30 năm. Nơi những điệu chiêng Mường vẫn ngân vang mỗi khi buôn làng có lễ, hội hay mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Văn hóa cồng chiêng mang nét độc đáo riêng

Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời và được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật, được kế tục qua nhiều thế hệ.

Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình và được tạo dựng hoàn thiện trên nền văn minh nương rẫy cộng với văn minh lúa nước, lấy núi đá, hang động và âm thanh từ những thanh thạch nhũ là điểm khởi nguyên.

Và khi cồng chiêng có mặt trong đời sống cộng đồng thì nó là nhạc khí, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của tầng lớp bình dân, được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Người Mường có nhiều lễ hội sử dụng cồng chiêng như: Lễ mừng nhà mới, lễ hội Khai Hạ, lễ thành hôn, lễ hội xuống đồng...

Gìn giữ tiếng chiêng Mường giữa đại ngàn Tây Nguyên - ảnh 2
Đội cồng chiêng của người Mường chủ yếu là phụ nữ

 Vừa cùng mọi người luyện tập xong những bài trình diễn cồng chiêng, chị Bùi Thị Tinh - Chi hội trưởng hội Phụ nữ thôn Đà Bắc chia sẻ: “Một bộ cồng chiêng của người Mường ở thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu sẽ có 2 chiếc chiên và một chiếc trống.

Khác với người Jrai, Bahnar… người đánh chiêng chủ yếu là nam giới thì với người Mường đại đa số chiêng sẽ do phụ nữ đánh.

Bộ chiêng của người Mường có núm ở giữa, dùi được làm từ gỗ và có chiều dài khoảng 20 - 25cm, một đầu to và được quấn bằng vải đỏ. Khi đánh, âm thanh từ chiêng của người Mường sẽ có âm hưởng bay bổng và ngân vang với những giai điệu tròn trĩnh: ping, pong”.

Theo chị Tính, cách đây 30 năm, người Mường di cư từ xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) vào xã Ia Lâu để lập nghiệp. Ban đầu chỉ có vài chục hộ, nhưng hiện nay đã có hơn 125 hộ là người Mường tập trung sinh sống tại thôn Đà Bắc. Dù thay đổi nơi sinh sống nhưng người Mường vẫn mang theo những bộ cồng Chiêng và xem như là “vật báu hồn thiêng”, cất giữ cẩn thận.

Thời gian đầu, khi cuộc sống còn khó khăn, người dân chỉ tập trung kiếm kế sinh nhai, lo cái ăn cái mặc. Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng còn nhiều hạn chế.

Sau này, khi cuộc sống của mọi người được ổn định, bà con đã chú trọng hơn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

Gìn giữ tiếng chiêng Mường giữa đại ngàn Tây Nguyên - ảnh 3
Một bộ cồng chiêng của người Mường ở thôn Đà Bắc, xã Ia Lâu sẽ có 2 chiếc chiêng và một chiếc trống

Nhằm phát huy giá trị của cồng chiêng, người già cùng các nghệ nhân đã tập hợp con cháu, các thế hệ trẻ để truyền dạy các bài cồng chiêng mang âm hưởng đặc trưng, riêng biệt, giúp thế hệ con cháu biết cách phân biệt các làn điệu chiêng Mường so với các loại hình văn hóa cồng chiêng khác.

Bên cạnh đó, người dân trong thôn cũng tích cực đem tiếng cồng chiêng tới các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, các cuộc thi cồng chiêng do địa phương và tỉnh tổ chức.

Để âm thanh truyền thống của dân tộc được ngân vang và lan tỏa tình yêu chiêng trong cộng đồng cũng như mỗi cá nhân người Mường, năm 2023, Chi hội Phụ nữ đã phối hợp cùng Chi Đoàn thôn Đà Bắc thành lập CLB Cồng chiêng người Mường. Thời điểm ban đầu, CLB chỉ có 20 thành viên nhưng đến nay đã tăng lên 50 thành viên. CLB duy trì sinh hoạt Cồng chiêng vào dịp cuối tuần.

Tiếng chiêng gọi mùa xuân

Dịp cuối năm, khi những ánh nắng mùa Xuân bắt đầu “dành” chỗ của những hơi lạnh mùa Đông, cây cối đã qua mùa thay lá và chuẩn bị đâm chồi nảy lộc báo hiệu mùa Tết cận kề.

Những ngày cuối tuần, tại sân nhà của chị Đinh Thị Thanh Thủy - Bí thư chi Đoàn thôn Đà Bắc, những người già, trẻ, gái, trai lại rộn ràng cùng nhau tập những bài cồng chiêng, những điệu xòe theo điệu chiêng để trình diễn cho ngày Tết.

Gìn giữ tiếng chiêng Mường giữa đại ngàn Tây Nguyên - ảnh 4
Các nghệ nhân tại thông Đà Bắc, xã Ia Lâu truyền dạy cho các em nhỏ tập những điệu xòe theo nhịp chiêng của người Mường để trình diễn trong đêm giao thừa ngày Tết

Bí thư chi Đoàn thôn Đà Bắc cho biết, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong với đời sống, văn hóa của người Mường. Nhờ có tiếng cồng chiêng mà không khí của các lễ hội trở nên vui tươi, nhộn nhịp hơn.

Với người dân ở đây, chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc mà ẩn chứa sau đó là một câu chuyện văn hóa, tâm linh chứa đựng niềm tự hào, tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người con xứ Mường.

Mỗi dịp Tết đến, để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường sẽ tập trung tại nhà văn hóa thôn để đánh cồng chiêng, múa những điệu xòe tạo không khí ấm cúng, vui tươi thay cho lời chúc tốt đẹp chào mừng năm mới để mọi người được mạnh khỏe, no ấm, yên vui.

“Khi tiếng cồng chiêng vang lên, sâu thẳm mỗi người Mường chúng tôi đều cảm thấy tự hào, thêm yêu quý văn hóa của dân tộc mình.

Trong thời khắc giao thừa, âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng, khẳng định sức sống trường tồn cùng lịch sử như bản sắc văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mường ở Gia Lai,” chị Thủy chia sẻ thêm.

Từ giữa núi rừng Tây Nguyên, tiếng chiêng của những người Mường ở xã Ia Lâu cất lên như gọi mùa Xuân về.

Trên nền âm thanh của những bản hòa tấu đan xen với những điệu múa xòe nhịp nhàng, uyển chuyển đặc trưng cùng lời ca cổ của người Mường vang vọng khắp cả một vùng núi rừng, như lời tiễn biệt năm cũ, đón mừng năm mới sắp đến với bao niềm vui, tin yêu và hi vọng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc