Lễ mừng lúa mới của người Gia Rai
VHO - Lễ mừng lúa mới là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai sau khi thu hoạch mùa màng, nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Đây là dịp để bà con chung vui, hưởng thành quả lao động và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho dân làng sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Theo phong tục truyền thống, Lễ mừng lúa mới của người Gia Rai thường được tổ chức khi bà con đã thu hoạch xong nông sản. Lễ cúng mừng lúa mới có phần lễ và phần hội. Nơi tổ chức lễ thường là ở nhà rông của làng vào khoảng 9h sáng. Sau khi chuẩn bị xong lễ vật, Già làng khấn, cầu mong thần linh và linh hồn ông bà tổ tiên ăn cơm mới phù hộ cho dân làng được mùa bội thu, mưa thuận gió hòa, năm sau thu hoạch nhiều hơn năm trước, lúa đầy chòi bắp đầy nhà ăn không hết.
Lễ cúng có 3 phần: Cúng ở rẫy lúa; cúng ở chòi lúa và cúng ở nhà chủ lúa; Lễ cúng mừng lúa mới tại nhà chủ lúa lễ vật gồm 3 chóe rượu, 1 con lợn. Sau Lễ cúng là phần hội, trong men rượu cần những tiếng cồng, tiếng chiêng, điệu xoan say đắm vang khắp núi rừng Tây Nguyên, khách đến dự cùng uống rượu chung vui với đồng bào.
Lễ mừng lúa mới không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người Gia Rai, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tạo thành sợi dây gắn kết cộng đồng người Gia Rai trên khắp các buôn làng, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Gia Rai cần được bảo tồn và gìn giữ để thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, quảng bá nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với du khách trong nước và quốc tế.