“Kin khẩu hó“- lễ mừng cơm mới độc đáo của dân tộc Lào

MỘC TRÀ

VHO - Trong các nghi lễ nông nghiệp, lễ mừng cơm mới "Kin khẩu hó" là một trong những nghi lễ có ý nghĩa quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Lào ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

“Kin khẩu hó“- lễ mừng cơm mới độc đáo của dân tộc Lào - ảnh 1
Lễ mừng cơm mới "Kin khảu hó" hàm chứa những nét văn hóa độc đáo, thể hiện đạo lý uống nước nguồn của người Lào. Ảnh: Lan Anh

Trong quá trình cộng cư giữa các dân tộc, một số phong tục, tập quán, văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn Điện Biên Đông có sự tác động, giao thoa, ảnh hưởng với nhau không nhỏ. Tuy nhiên, lễ mừng cơm mới "Kin khảu hó" của người Lào vẫn được duy trì, bảo tồn và giữ được những sắc thái riêng vốn có.

Dân tộc Lào ở Điện Biên cư trú tại các huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Tại huyện Điện Biên Đông, người Lào sinh sống tập trung ở các bản của xã Pú Hồng, Chiềng Sơ, Tìa Dình và Mường Luân. 

Đến nay, dân tộc Lào vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán  văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó lễ mừng cơm mới "Kin khẩu hó" là nét nét văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn và lưu giữ.

Theo truyền thống, lễ mừng cơm mới "Kin khảu hó"có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của dân tộc Lào, thường được tổ chức từ 15.8 đến 21.8 âm lịch. Nghi lễ này hàm chứa những nét văn hóa độc đáo, thể hiện đạo lý uống nước nguồn của người Lào và khát vọng vươn lên của đồng bào trong việc làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, hướng đến những điều thiện cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đây còn là dịp để bà con dân tộc Lào tạ ơn các vị thần linh đã che chở, phù hộ được mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi, người người khỏe mạnh, bình an.

“Kin khẩu hó“- lễ mừng cơm mới độc đáo của dân tộc Lào - ảnh 2
Ðộc đáo nhất trong lễ mừng cơm mới là những “khẩu hó” được gói kín bằng lá dong. Ảnh: Lan Anh

"Kin khảu hó" nghĩa là ăn cơm gói, người Lào chọn những bông lúa đầu tiên chuẩn bị chín vàng để làm món cơm cốm "Khẩu hang" đây là lễ vật dâng lên ông bà, tổ tiên và các vị thần linh để tạ ơn, đồng thời đánh dấu kết thúc vụ mùa, làm lụng vất vả, bà con có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe để chuẩn bị tâm thế bước sang vụ mới. 

Để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng này, các gia đình tự phân công cho các thành viên tranh thủ tìm kiếm các đồ lễ khác cho mâm cúng.

Đồng bào Lào quan niệm, đến ngày tổ chức có mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện được sự no đủ, phát đạt của gia đình. Tất cả các thực phẩm đều được làm chín bằng cách đồ, nướng, hấp hoặc luộc chín.

Ðộc đáo nhất trong lễ mừng cơm mới là những “khẩu hó” được gói kín bằng lá dong. “Khẩu hó” thường có xôi, thịt gà, thịt vịt hoặc nhiều đồ ăn ngẫu nhiên khác trong mâm cúng. Ðây là chi tiết thú vị để các thành viên trong gia đình và các vị khách giao lưu, tạo không khí sôi nổi, vui vẻ, bất ngờ.

Khi mâm cúng chuẩn bị xong, chủ nhà trịnh trọng khấn mời tổ tiên về hưởng thụ những sản vật mà con cháu thu hái, kiếm được sau một năm làm lụng vất vả, đồng thời cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu được an lành, mạnh khỏe, trồng trọt bội thu, chăn nuôi sinh sôi phát triển.

“Kin khẩu hó“- lễ mừng cơm mới độc đáo của dân tộc Lào - ảnh 3
Lễ mừng cơm mới "Kin khảu hó" là nét nét văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn và lưu giữ. Ảnh: Lan Anh

Trong thời gian diễn ra lễ mừng cơm mới “Kin khẩu hó”đồng bào dân tộc Lào ai nấy đều vui mừng, phấn khởi tham gia thiết thực, lành mạnh và tiết kiệm. Các gia đình luân phiên đến nhà nhau để chúc tụng và ăn mừng cơm mới tạo nên sự đoàn kết, hân hoan cho cả bản. 

Đến với lễ mừng cơm mới “Kin khẩu hó” người dân, du khách được hòa mình vào không khí vui tươi, cùng nhau thưởng thc men rượu thơm nồng, tiếng khèn bè đặc trưng và trải nghiệm điệu múa lăm vông uyển chuyển của nam thanh, nữ tú dân tộc Lào.

Lễ “Kin khẩu hó” của đồng bào Lào ở Mường Luân không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình mà còn là sự tham gia chung của bản làng thông qua nghi lễ cúng thần linh, các hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộcĐây chính là nét nét văn hóa đặc trưng cần được bảo tồn, lưu giữ và từng bước phát huy đưa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó vào phát triển du lịch cộng đồng.