Hút khách bằng văn hóa Chăm
VHO - Lễ hội Thần làng (tiếng Chăm gọi là Quai Yang Cham) của đồng bào Chăm Hroi tỉnh Bình Định đã được phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào và xây dựng thành sản phẩm để hút khách du lịch.
Những ngày qua, tại không gian văn hóa nhà rông thuộc khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, đồng bào Chăm được sống lại với ký ức một thời rộn ràng, tưng bừng của Lễ hội Thần làng. Trong không khí vui tươi, rộn ràng của lễ hội, tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống Kơ toang hòa cùng điệu múa của các chàng trai, cô gái Chăm Hroi đã làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.
Già làng, người có uy tín Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Lễ hội Thần làng của người Chăm Hroi tại khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh là một sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc, với ý nghĩa cầu mong cho nơi ở của dân làng mình luôn được bình yên, cầu cho các vị thần linh bảo vệ, che chở cho dân làng, mọi người luôn khỏe mạnh, trong cuộc sống lao động sản xuất luôn mưa hòa, gió thuận, cây trồng được đơm hoa, kết trái… Được tổ chức hằng năm, lễ hội này không chỉ là dịp để người Chăm thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên và các vị thần, mà còn là cơ hội để cộng đồng cùng nhau sum họp, vui chơi và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Thầy cúng Trần Kim Quẹo cho hay, thời điểm tổ chức Lễ hội Thần làng thường từ tháng 2 - 5 âm lịch, thời tiết nắng ấm đẹp. Công tác chuẩn bị có sự phân công cho các thành viên trong cộng đồng một cách chặt chẽ, từ ngày triển khai cho đến ngày diễn ra lễ hội khoảng hơn 1 đến 2 tháng. Trước khi diễn ra lễ hội 2 ngày, các bậc phụ lão thông báo đông đủ dân làng tại nhà rông để phân công nhiệm vụ cụ thể, các phần việc trong quá trình tổ chức Lễ hội Thần làng và thỏa thuận với nhau sẽ cùng quyên góp những lương thực, vật phẩm dâng lên ngày hội của mỗi hộ gia đình như muối, gạo, gà riêng con lợn và con dê để làm lễ vật chính của lễ hội đã được cả làng thống nhất đóng góp trước 1 tháng.
Cũng theo thầy cúng Trần Kim Quẹo, Lễ hội Thần làng gồm 4 nội dung cúng: Cúng giỗ ông bà (Quai A tâu mo, oi) vật phẩm 1 con lợn, rượu, trầu, cau, nến sáp ong, nước lã và gạo; cúng thần núi (Quai pa Khưng Yang Chơ, mét wa) vật phẩm 1 con dê; cúng thần làng (Quai Yang Cham) vật phẩm 1 con lợn và sau cùng cúng hú lấy hồn về (Quai nhô pơngal Pla Play wing) vật phẩm 1 con gà.
Ở góc độ địa phương, để tiếp tục phát huy giá trị và bảo tồn Lễ hội Thần làng, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh chia sẻ: “Sau lễ hội này chúng tôi sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, triển khai các giải pháp cụ thể để tạo sức sống mới cho văn hóa truyền thống. Trong đó, sẽ tập trung phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tạo nguồn lực kinh phí để duy trì việc tổ chức lễ hội và các lễ hội truyền thống tốt đẹp khác, tạo bản sắc riêng của vùng đồng bào dân tộc thiếu số và thúc đẩy phát triển du lịch một cách toàn diện của địa phương”.
Chia sẻ ý nghĩa về việc tái hiện Lễ hội Thần làng, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết, Lễ hội không chỉ là dịp để người Chăm Hroi thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên và các vị thần, mà còn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng đoàn kết, cùng nhau tham gia, cùng nhau thực hiện các hoạt động; là dịp để cộng đồng cùng nhau sum họp, vui chơi và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng thời, việc tái hiện lễ hội này cũng nhằm triển khai hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.