Hút khách bằng sự độc đáo, náo nhiệt

HÀ ANH

VHO - Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả Dự án.

 Hút khách bằng sự độc đáo, náo nhiệt - ảnh 1
Nhờ nguồn lực từ Dự án 6, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu ngày càng khởi sắc

 Tháng 10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Dự án 6, với nội dung trọng tâm là công tác Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch như: Tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; Tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội truyền thống (gồm 2 lễ hội chính của đồng bào dân tộc Khmer: Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Ok om bok); Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện thí điểm tại chùa Xiêm Cán, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu...

Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ hơn 17 tỉ đồng cho việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như: Nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, trang phục, lễ hội… của đồng bào Khmer. Tỉnh cũng đã tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội truyền thống gồm 2 lễ hội chính của đồng bào dân tộc Khmer: Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Ok om bok. Hiện tại, Bạc Liêu là địa phương duy nhất trong khu vực có nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khán giả hằng tuần. Những tiết mục biểu diễn với trang phục truyền thống, phục dựng lại các lễ hội truyền thống một cách cô đọng, dễ hiểu, thu hút rất nhiều khách du lịch.

Bên cạnh đó, một số hoạt động lễ hội văn hóa như Ok om bok, đua ghe Ngo - một trong những lễ hội được Bộ VHTTDL cho phép nâng tầm tổ chức khu vực, trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã thu hút hàng nghìn khách du lịch tới tham dự. Đã thành thông lệ, các đội ghe Ngo của các chùa: Đìa Muồng, Đìa Chuối, Kos Thum, Ngan Dừa, Đầu Sấu… đều tích cực mọi công tác chuẩn bị để tham gia lễ hội truyền thống này.

 Hút khách bằng sự độc đáo, náo nhiệt - ảnh 2
Các lễ hội của người Khmer diễn ra vui tươi, sôi nổi

Nhờ có sự quan tâm, tuyên truyền của chính quyền các cấp, những ngày lễ hội của người Khmer đã giúp gắn kết 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh trở nên thắm thiết tình làng nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng. Nét văn hóa lâu đời, đặc sắc và những lễ hội gần như diễn ra quanh năm của người Khmer chính là “mảnh đất” màu mỡ để phát triển du lịch ở địa phương. Tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng hiệu quả để thực hiện mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị văn hóa Khmer bằng cách gắn liền văn hóa dân tộc với sản phẩm du lịch.

Hằng năm, vào các dịp lễ hội lớn, các phum, sóc của người Khmer vô cùng nhộn nhịp. Sự độc đáo, náo nhiệt của các lễ hội này đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu. Những lễ hội lớn trong năm của người Khmer được nhiều người biết đến như: Chol Chnam Thmay, Lễ nhập hạ, Lễ hội đua bò, Lễ hội đua ghe Ngo… Cùng với các lễ hội, những ngôi chùa của người Khmer với lối kiến trúc độc đáo cũng là điểm thu hút khách du lịch thập phương, với nhiều tiết mục nghệ thuật dân gian truyền thống đầy màu sắc.

Cùng với việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống, tỉnh Bạc Liêu cũng đã hỗ trợ tu bổ 17 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn với mục tiêu bảo vệ giá trị các di tích Khmer. Đó là các ngôi chùa nổi tiếng trong đời sống tinh thần của người Khmer, đồng thời cũng là những điểm thu hút khách du lịch như: Chùa Cái Giá Giữa, huyện Vĩnh Lợi; chùa Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu; chùa Hòa Bình (cũ), huyện Hòa Bình...

Nhờ sự quan tâm, chú trọng việc nâng cao đời sống tinh thần, đặc biệt là vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 22 ngôi chùa Khmer. Đây không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng, văn hóa của người dân mà còn là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như dạy chữ, tổ chức lễ hội, cung cấp kinh nghiệm sản xuất hiệu quả, tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước.