Đến chùa Khmer thưởng thức nghệ thuật Khmer
VHO - Người Khmer có câu nói ví von “Trẻ con Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết” câu nói ấy đã minh chứng sự ảnh hưởng sâu rộng của ca, múa, âm nhạc Khmer trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc.
Phó Chủ nhiệm CLB Sơn Thị Diệu cùng với các thành viên CLB văn hóa, văn nghệ chùa Buôl Pres Phek tập các điệu múa
Từ lâu, chùa Khmer đã gắn liền với đời sống tâm linh của người dân phum sóc. Đối với bà con dân tộc Khmer, môi trường và không gian ở chùa là nơi góp phần gìn giữ và duy trì những phong tục, tập quán, đời sống tinh thần qua nhiều thế hệ. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng được bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua từng điệu múa, lời ca. Song một bộ phận giới trẻ hiện nay lại không mấy mặn mà với văn hóa Khmer, một phần do tác động của những loại hình văn hóa ngoại nhập, phần vì việc lưu truyền giữa các thế hệ không được chú trọng, nên nhiều thanh niên không biết múa, hoặc múa không đúng bài bản.
Trước thực trạng này, chùa Buôl Pres Phek (chùa Bốn Mặt) ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ (CLB) dạy múa miễn phí các điệu múa Khmer (Lâm thôn, Sà dăm, Apsara, múa Rô băm, múa gáo dừa...) đã thu hút được rất đông thanh niên Khmer theo học, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân phum sóc và du khách gần xa đến thưởng ngoạn cảnh chùa.
CLB được Ban quản trị chùa thành lập và đi vào hoạt động đã hơn 4 năm nay với 40 thành viên. Dưới sự quản lý và hướng dẫn tận tình của Phó Chủ nhiệm CLB chị Sơn Thị Diệu (34 tuổi), trưởng thành trong quá trình tham gia các buổi văn nghệ tại chùa, chị được nghệ sĩ trong Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và Đoàn Nghệ thuật quần chúng Ron Ron hướng dẫn, truyền dạy thêm những điệu múa cơ bản và được đề cử tham gia học thêm các khóa ngắn hạn về múa, biên đạo, cộng với việc học hỏi trên mạng xã hội, những động tác, bài múa của chị ngày càng uyển chuyển, chuyên nghiệp hơn. Những tiết mục múa do chị dàn dựng khá công phu và đẹp mắt, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người. Các thành viên CLB là những thanh niên trong xã, tuy nghề nghiệp, công việc khác nhau nhưng đều có chung niềm đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật dân tộc Khmer.
Sau những giờ lao động mệt nhọc, tuần 2 buổi chiều tối (tại sân khấu chùa) các thành viên tập hợp để luyện tập và trải lòng mình qua từng điệu múa, lời ca. Bên cạnh đó, các thành viên CLB còn tích cực học hỏi, sáng tạo để mang đến nhiều màu sắc mới cho điệu múa Khmer, tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa nghệ thuật Khmer truyền thống và đương đại. Đặc biệt hơn, các thành viên trong đội còn chỉ dạy miễn phí cho các học sinh và những ai có niềm đam mê đối với nghệ thuật múa Khmer.
Các thành viên CLB biểu diễn tiết mục múa Lâm thôn
Phó Chủ nhiệm CLB Sơn Thị Diệu cho biết, tôi đã đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc từ bé, nên muốn truyền ngọn lửa đam mê ấy cho các bạn trẻ, để các em có cơ hội phát huy năng khiếu và kế thừa, gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ khi CLB đi vào hoạt động, bà con Khmer quanh khu vực chùa có nơi để sinh hoạt và vui chơi. Qua đó, đã phát hiện không ít những người có năng khiếu ca múa... để bổ sung vào lực lượng văn nghệ của chùa và địa phương. “Tôi nguyện đem hết khả năng của mình để giúp khán giả cảm nhận được vẻ đẹp trong điệu múa, lời ca của dân tộc Khmer. Tôi thấy vui vì đã góp một phần nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình”, chị Diệu chia sẻ.
Hiện nay, ngoài phục vụ bà con trong phum sóc và du khách đến tham quan chùa, CLB còn nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các chùa vào những ngày lễ, tết của đồng bào Khmer và tham gia các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Thượng tọa Thạch Bonl, Trụ trì chùa Buôl Pres Phek bày tỏ: “Từ khi có CLB, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt… Đầu năm 2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc cho CLB chùa Bốn Mặt các thiết bị loa full, micro cầm tay không dây, trang phục múa sinh hoạt, micro cài tai và 50 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng”.
Với chị Diệu cũng như Ban quản trị chùa Buôl Pres Phek và các thành viên trong CLB, việc phát triển, gìn giữ các điệu múa truyền thống của người Khmer mang ý nghĩa quan trọng, góp phần rất lớn trong duy trì, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Để từ đó, chùa Buôl Pres Phek không chỉ được mọi người biết đến là một danh thắng của hệ phái Phật giáo Nam tông tỉnh Sóc Trăng, mà còn là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân phum sóc.
Từ khi có CLB, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Đầu năm 2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng và Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc cho CLB chùa Bốn Mặt các thiết bị loa full, micro cầm tay không dây, trang phục múa sinh hoạt, micro cài tai và 50 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng. (Thượng tọa THẠCH BONL, Trụ trì chùa Buôl Pres Phek) |
PHƯƠNG NGHI