Hút khách bằng nhạc điệu dân gian Chăm bên tháp cổ nghìn tuổi

Bài, ảnh: PHAN HIẾU

VHO - Những ngày này, du khách khi đến Bình Định du lịch sẽ bị cuốn hút bởi điệu múa, âm thanh nhạc cụ ngân vang bên tháp cổ nghìn tuổi ở Bình Định...

Hút khách bằng nhạc điệu dân gian Chăm bên tháp cổ nghìn tuổi - ảnh 1

Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật làm gốm Chăm

Tại di tích quốc gia Tháp Đôi, trong khoảng thời gian từ sáng và chiều, nhiều người dân cũng như du khách lần đầu được hòa mình vào không gian văn hóa đa sắc màu của người Chăm, với các tiết mục múa, hát dân gian, dân ca đặc sắc như: hòa tấu nhạc cụ dân gian Chăm, múa lễ hội đầu năm, dâng hương tháp cổ, lung linh tháp cổ...

Anh Nguyễn Văn Trường, du khách Hà Nội vui bày tỏ: Đúng là một dịp trải nghiệm thú vị khi du lịch tại Bình Định. Tôi và nhóm bạn rất thích vũ điệu, nhạc cụ, cách làm gốm… của người Chăm. Tại đây, chúng tôi được hòa mình nhịp điệu cùng các nghệ nhân dân gian Chăm nhảy múa.

“Chưa bao giờ mà tôi đi du lịch mà thích thú đến vậy. Đặc biệt, Bình Định  là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, đồng thời còn là nơi hiện diện nhiều kiến trúc của người Chăm rất độc đáo. Qua chương trình này, tôi hiểu thêm về nền văn hóa, con người Chăm xưa. Chắc chắn tôi sẽ trở lại Quy Nhơn thêm nhiều lần nữa”, anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ.

Hút khách bằng nhạc điệu dân gian Chăm bên tháp cổ nghìn tuổi - ảnh 2

Tại Tháp đôi, du khách hòa mình nhịp điệu cùng các nghệ nhân dân gian Chăm nhảy múa, thưởng thức nét độc đáo văn hóa Chăm

Chị Trượng Thị Mỹ Điện, một trong những nghệ nhân Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tôi rất vui khi tham gia trình diễn nghệ thuật làng gốm Bàu Trúc của người Chăm đến với du khách trên vùng đất Bình Định. Đấy cũng là cách để tôi quảng bá nét văn hóa đặc sắc của người Chăm đến người dân và du khách cả nước.

Ông Phạm Quan Phú Đoan, đại diện Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Đồng bào Chăm là cộng đồng người sinh sống lâu đời ở miền Trung, theo chế độ mẫu hệ, trong đó người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Người Chăm đã từng tạo ra nền văn hóa rực rỡ, ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Ấn Độ. Nét đặc sắc của văn hóa Chăm thể hiện qua kiến trúc đền tháp kỳ vĩ, nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc.

Bình Định là vùng đất kinh đô của vương quốc Champa với hệ thống di tích tháp Chăm dày đặc, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo, là nguồn tài nguyên du lịch di sản mang đặc trưng phong cách vùng miền. Vì vậy, việc kết nối du lịch với di tích tháp Chăm là việc làm cần thiết.

Hút khách bằng nhạc điệu dân gian Chăm bên tháp cổ nghìn tuổi - ảnh 3

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm với những cô gái Chăm

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: Tiếp nối thành công của chương trình giao lưu văn hóa Chăm giữa các nghệ nhân tỉnh Bình Định và tỉnh Ninh Thuận năm 2023, năm nay Sở VHTT Bình Định giao Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với Đoàn văn hóa dân gian Chăm Ninh Thuận tổ chức biểu diễn phục vụ khách tham quan tại di tích quốc gia Tháp Đôi và Tháp Bánh Ít.

Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bình Định, phục vụ khách tham quan trong mùa du lịch hè năm 2024, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá di tích, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tỉnh nhà.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Lợi, chương trình biểu diễn bao gồm các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Chăm (trống Ghi-năng, kèn Saranai, trống Paranưng), múa Chăm, hát dân ca Chăm, trình diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm.

Dự kiến chương trình sẽ kéo dài đến tháng 8 để phục vụ nhân dân và du khách. Cụ thể, tại di tích Tháp Đôi (TP Quy Nhơn), chương trình sẽ diễn ra vào các ngày thứ 2, 3, 4, 7 và Chủ nhật hàng tuần. Tại di tích Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), diễn ra vào các ngày thứ 5, 6 hàng tuần. Thời gian biểu diễn 8h30-10h30 và 15h-18h; mỗi lượt biểu diễn kéo dài 30-45 phút.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc