Giữ nghề in thêu sáp ong và may truyền thống của người Mông

QUỲNH VY

VHO - Nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông tại xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất. Tại các bản, làng bà con vẫn lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay. Trong quá trình hội nhập, người Mông nơi đây đang nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch.

Giữ nghề in thêu sáp ong và may truyền thống của người Mông - ảnh 1

Chương trình là hoạt động có ý nghĩa nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông trên địa bàn huyện Lâm Bình. Ảnh: Tùng Lâm - Kim Thoa

Xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình có 532 hộ với 2.522 nhân khẩu, trong đó có trên 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, chiếm trên 60% số hộ toàn xã. Người Mông nơi đây luôn cần cù, chịu khó trong sản xuất, có tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên trong cuộc sống. Văn hóa của người Mông đa dạng, phong phú, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn liền với đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào.

Bên cạnh việc lưu giữ các phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống tốt đẹp, người Mông ở đây  còn duy trì nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống. 

Nghề in, thêu vẽ sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể điển hình, được đồng bào trân trọng, lưu truyền qua nhiều thế hệ góp phần làm nên bản sắc văn hóa tộc người. Bản sắc đó được thể hiện từ chất liệu, kiểu cách, cắt khâu đến màu sắc, hoa văn, cách tạo hình, bố cục các mảng trang trí trên trang phục đều mang diện mạo, sắc thái riêng biệt của người Mông.

Giữ nghề in thêu sáp ong và may truyền thống của người Mông - ảnh 2

Kỹ thuật vẽ sáp ong và thêu hoa văn trên trang phục  của người Mông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Tùng Lâm - Kim Thoa

Kỹ thuật vẽ sáp ong và thêu hoa văn trên trang phục  của người Mông biểu đạt đầy sống động, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Mông trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn và phát triển. Đồng thời, thể hiện mong muốn, ước vọng về gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. 

Với những giá trị văn hóa độc đáo, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là vinh dự, vừa là động lực để người Mông ở Tuyên Quang chung tay bảo tồn, gìn giữ di sản quý giá của cha ông.

Trước xu thế hội nhập, trang phục của dân tộc Mông ít nhiều có phần mai một và lai tạp, hiện nay bà con dân tộc Mông vẫn giữ được trang phục của dân tộc như thường xuyên mặc váy của dân tộc mình, tuy nhiên không ít những chiếc váy đã bị lai tạp, cách tân, không còn nguyên bản, đa số người dân sử dụng quần áo, váy may sẵn để dùng. Bên cạnh đó, lớp nghệ nhân am hiểu nắm giữ bí quyết nghề truyền thống ngày một ít đi, đây là nguyên nhân chính làm mai một dần trang phục truyền thống của người Mông.

Giữ nghề in thêu sáp ong và may truyền thống của người Mông - ảnh 3

Chương trình được các nghệ nhân truyền dạy trực tiếp các công đoạn từ vẽ sáp ong, may thêu trang phục truyền thống của người Mông. Ảnh: Tùng Lâm - Kim Thoa

Nhằm phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mông trên địa bàn huyện Lâm Bình, vừa qua, Sở VHTTDL Tuyên Quang đã tổ chức chương trình nghiên cứu phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình.

Đây là hoạt động thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn Tuyên Quang.

Theo đó, lớp học nghề vẽ sáp ong, thêu và may trang phục truyền thống của người Mông có sự tham gia của 14 học viên là những phụ nữ dân tộc Mông đang sinh sống tại thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi Củng xã Xuân Lập. 

Với phương pháp truyền dạy chủ yếu là thực hành cầm tay chỉ việc, các nghệ nhân giúp các học viên thực hành thạo nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống. Từ đó, chị em phụ nữ dân tộc Mông, thôn Khuổi Trang và Khuổi Củng đã tự tay làm ra các sản phẩm đẹp, chất lượng với nét đặc trưng riêng của người Mông Xuân Lập, tạo ấn tượng với người dân và du khách.

Giữ nghề in thêu sáp ong và may truyền thống của người Mông - ảnh 4

 Tham gia chương trình các học viên đã tự tay làm ra các sản phẩm đẹp, chất lượng với nét đặc trưng riêng của người Mông Xuân Lập. Ảnh: Tùng Lâm - Kim Thoa

Trong thời gian tới, để duy trì và phát triển giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông, Sở VHTTDL Tuyên Quang, UBND huyện Lâm Bình cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể nghề in thêu sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông. Tích cực tuyên truyền đến từng bản, làng, từng gia đình người dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc nói chung tiếp tục phát huy và gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ qua các hoạt động đa dạng như sinh hoạt văn hóa, truyền dạy nghề truyền thống.

 Chú trọng động viên, khích lệ có chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân tham gia truyền dạy các di sản văn hóa trong đó nghề truyền thống trong gia đình, trong thôn, bản. Có như vậy, nghệ thuật vẽ sáp ong, may thêu trang phục truyền thống của người Mông mới được gìn giữ, bảo tồn và trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, là niềm tự hào của cộng đồng người Mông ở xứ Tuyên.