Tuyên Quang:

Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa

QUỲNH VY

VHO - Trung tâm văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vừa tổ chức tập huấn, truyền dạy văn hóa dân gian cho các CLB, đội văn nghệ các dân tộc thiểu số tại xã Phúc Thịnh và Ngọc Hội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa - ảnh 1

Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số thôn Húc, xã Phúc Thịnh. Ảnh: Hồng Nhung - Văn Linh

Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở huyện Chiêm Hóa phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình CLB, đội văn nghệ truyền thống các dân tộc trên địa bàn được thành lập tại các thôn, bản, tổ dân phố đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. 

Với mục đích lưu giữ các giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát triển vốn văn hoá phi vật thể các dân tộc, từng bước tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trên địa bàn. 

Mới đây, Trung tâm văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện Chiêm Hóa đã tổ chức truyền dạy văn hóa dân gian cho CLB văn hoá dân gian dân tộc Tày thôn Đồng Hương (với 31 thành viên) và ra mắt Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số thôn Húc, xã Phúc Thịnh (với 22 thành viên) và Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số xã Ngọc Hội (với 15 thành viên). Đây là những hạt nhân văn hoá, văn nghệ ở cơ sở, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào văn nghệ.

Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa - ảnh 2

Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số xã Ngọc Hội. Ảnh: Tài Tùng

Các đội văn nghệ dân gian các dân tộc đi vào hoạt động tạo ra sân chơi bổ ích, thu hút mọi lứa tuổi tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng chung tay tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc trên địa bàn huyện Chiêm Hoá đến du khách trong và ngoài nước.

Tham gia đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số các thành viênđược truyền dạy các loại hình dân ca, dân vũ, nghi lễ dân gian, truyền dạy hát Then, đàn Tính, hát Sli, Lượn, Phong Slư, múa Tày... Được trang bị các kỹ năng, cách thức tổ chức sinh hoạt, phương thức hoạt động của CLB, tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch.

Việc tổ chức ra mắt CLB, đội văn nghệ dân gia các dân tộc trên địa bàn xã Phúc Thịnh và Ngọc Hội nói riêng, huyện Chiêm Hóa nói chung góp phần khôi phục, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như làn điệu dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian và một số sinh hoạt văn hóa dân gian khác đang có nguy cơ mai một, mất bản sắc.

Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa - ảnh 3

Tiết mục do Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số xã Ngọc Hội trình diễn tại lễ ra mắt. Ảnh: Tài Tùng

Qua đó, tạo điều kiện cho cộng đồng được giao tiếp, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Trong đó, ưu tiên phát triển, đào tạo thế hệ trẻ trở thành các hạt nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Các CLB, đội văn nghệ dân gian các dân tộc 2 xã Phúc Thịnh và Ngọc Hội ra mắt và đi vào hoạt động góp phần phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Chiêm Hóa.

Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa - ảnh 4

Tiết mục do Đội văn nghệ truyền thống các dân tộc thiểu số xã Phúc Thịnh  trình diễn tại lễ ra mắt. Ảnh: Hồng Nhung - Văn Linh

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Chiêm Hóa cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể nắm giữ di sản văn hóa trong việc truyền dạy cho lớp trẻ các các làn điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, đội văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả. Hướng tới mục tiêu tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn trong các ngày hội, liên hoan, hội diễn để phong trào văn nghệ quần chúng ở Chiêm Hóa ngày càng lan tỏa.