Hà Nội:

Giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

VHO - Mục tiêu xuyên suốt của thành phố Hà Nội là xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống.

 

Cùng với cả nước, từ ngày 1.7, thành phố Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với việc thành lập các xã, phường mới có diện tích lớn, dân số đông, nhiều thôn, làng với lịch sử và văn hóa đa dạng... Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn, hài hòa nét văn hóa mỗi làng quê là định hướng chiến lược cho nông thôn Hà Nội phát triển bền vững…

Một góc làng cổ Đường Lâm (phường Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang
Một góc làng cổ Đường Lâm (phường Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang

Đậm nét văn hóa

Phường Sơn Tây là trung tâm xứ Đoài, vùng đất cổ chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó, làng cổ Đường Lâm được xem là “hạt nhân” với hệ thống di tích quốc gia đồ sộ, như: Đền Và (thờ Thánh Tản Viên), chùa Mía, đình Phù Sa, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền… Nơi đây lưu giữ đậm nét văn hóa vùng gò đồi, sản sinh nhiều danh nhân, khoa bảng và truyền thống yêu nước.

Ông Phan Văn Lợi, một người dân địa phương cho biết, là làng cổ nên nơi đây có nhiều lễ hội, tục lệ cũ, việc họp xóm, họp làng được tổ chức thường xuyên. Vào ngày giỗ của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền cùng Thám hoa Giang Văn Minh, theo tục lệ, chính quyền địa phương tổ chức nghi lễ, còn các hộ dân trong làng “góp giỗ”. Cúng giỗ xong, cả làng quây quần thụ lộc. “Đây là một nét đẹp riêng có, gắn kết tình làng, nghĩa xóm”, ông Phan Văn Lợi tự hào nói.

Tại xã Đan Phượng, từ việc xây dựng nông thôn mới, các làng quê ngày một khang trang, giàu đẹp. Đặc biệt, nhiều cổng làng được xây mới, mang nét kiến trúc riêng, gắn với văn hóa từng địa phương, nhưng vẫn bảo đảm xe cứu hỏa, xe cấp cứu ra vào thuận tiện. Những cổng làng Đông Khê, Đoài Khê, Cổ Ngõa Hạ, Thu Quế… đã và đang góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của nông thôn mới Hà Nội.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, văn hóa làng làm nên nhiều nét đẹp truyền thống của người Việt. Đó là “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, tạo sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết. Thời đại mở cửa, hội nhập, sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, giữa thành thị và nông thôn đang đặt ra không ít vấn đề trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Do vậy, trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” thường xuyên lưu ý các địa phương: Xây dựng nông thôn mới phải bám theo quy hoạch, nông thôn gắn kết hài hòa với đô thị và có chức năng bảo tồn cảnh quan, cân bằng sinh thái, tạo vành đai môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa... Nhiều vùng quê đã và đang trở thành hình mẫu trong phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy kinh tế, gắn kết cộng đồng…

Bảo tồn và phát triển

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Ứng Thiên. Ảnh: Quang Thái
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Ứng Thiên. Ảnh: Quang Thái

Cùng cả nước, từ ngày 01.07, Hà Nội bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Nhiều xã sau sáp nhập có quy mô rất lớn, bao phủ nhiều thôn, làng với đặc trưng văn hóa, lịch sử khác nhau. Đây là bước đi đúng đắn về mặt tổ chức hành chính nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương.

Xã Phúc Lộc được hợp nhất từ 5 xã cũ gồm: Nam Hà, Vân Phúc, Xuân Đình, Sen Phương và Võng Xuyên, với hơn 60.000 dân và 46 thôn. Tại đây có tới hàng chục lễ hội truyền thống, nhiều di tích lịch sử và nghề thủ công. Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lộc Tô Văn Sáng cho biết, sau khi bộ máy mới hoạt động, xã tổ chức họp và làm việc ngay với trưởng các thôn trong toàn xã, triển khai nhiệm vụ. Trong đó, đối với lĩnh vực văn hóa, xã tiếp tục duy trì các phong trào giữ đường làng, ngõ, xóm, thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa; tạo chuyển biến trong nếp sống văn minh khu vực nông thôn…

Tương tự, xã Ô Diên hợp nhất từ 7 xã cũ: Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập và Hạ Mỗ, nơi đây tập trung nhiều thôn, làng có phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công khác nhau. Nếu thiếu định hướng và chính sách hỗ trợ, nguy cơ các giá trị truyền thống bị lãng quên hoặc phai nhạt là rất thực tế. Do đó, khi quy mô hành chính mở rộng, lãnh đạo xã xác định, điều cần làm không phải là “đồng phục hóa” văn hóa, mà là “bản đồ hóa” - tức là nhận diện rõ, lưu giữ, phát huy từng nét riêng mỗi làng, mỗi thôn, tạo bản sắc chung phong phú, đa dạng, bền vững.

Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó văn hóa là một tiêu chí quan trọng. Thành phố ưu tiên nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để bảo tồn, khôi phục không gian văn hóa làng nghề truyền thống, di tích cấp quốc gia và cấp thành phố tại các địa phương có tiềm năng. Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn… Mỗi làng quê có phong tục, tập quán, nét đẹp riêng. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng vùng, miền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Theo NGUYỄN MAI/Báo Hà Nội Mới

Link bài viết gốc