Giữ chân du khách bằng bánh ốc, cườm đá

KHÁNH CHI

VHO - Là một trong 7 địa phương ở Quảng Nam thụ hưởng Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thời gian qua, huyện Bắc Trà My đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Giữ chân du khách bằng bánh ốc, cườm đá - ảnh 1

Ông Hùng dạy các bạn trẻ nghề đan lát

 Mỗi khi có khách đến, hay nhà nào trong làng có việc, bà con ở làng văn hóa Cao Sơn, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My lại rủ nhau đến nhà ông Hồ Thanh Hùng cùng gói bánh ốc - món ăn truyền thống không thể thiếu trong những dịp tết mùa, đâm trâu, cúng sấm, cưới hỏi… của đồng bào Ca Dong. Ông Hùng vừa hào hứng chỉ cho khách cách gói bánh ốc, vừa kể cho khách nghe về những phong tục, nếp sinh hoạt, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Ca Dong. Quây quần bên mâm gói bánh là vợ, con dâu và cháu trai của ông Hùng.

“Từ nhỏ đến giờ, tụi con đã quen với phong tục này. Mỗi khi thu hoạch mùa màng xong, vào những dịp tết mùa, lễ đâm trâu và cúng sấm, lễ hội mừng mùa màng bội thu, hay nhà nào trong làng có việc, có khách quý, trẻ con của làng lại háo hức được tham gia cùng người lớn để học cách gói bánh, học các điệu múa truyền thống để giao lưu với nhau”, em Hồ Thanh Hoàng, cháu trai của ông Hùng khoe.

Hầu như đồng bào Ca Dong, Cor nào ở Bắc Trà My cũng biết đan lát để làm gùi ba ngăn cho đàn ông, gùi lớn cho phụ nữ, gùi nhỏ cho trẻ em, giỏ, rổ, đồ dùng tỉa, sảy lúa, mâm đựng đồ ăn… phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Nghề đan lát mây tre truyền thống của đồng bào Cor, Ca Dong ở huyện Bắc Trà My gắn liền với đời sống, sản xuất. Nguyên liệu đan lát đều sẵn có trong tự nhiên, để có một sản phẩm bền, đẹp, đồng bào chọn các cây tre, nứa, lồ ô, giang, sợi mây từ một năm tuổi trở lên, thẳng, đều, không sâu thân, mối mọt. Vừa thoăn thoắt đan gùi, ông Hồ Thanh Hùng vừa chỉ cho con dâu và những cô gái trẻ trong làng đến học cách cắt tre nứa sau khi thu hoạch về. Tùy theo vật dụng định đan mà cắt nguyên liệu theo kích cỡ phù hợp, sau đó chẻ, chuốt nan có độ nhẵn, bóng, đều. Khi đan phải canh sao cho các nan khít vào nhau, không kẽ hở thì sản phẩm mới bền. Đan lát đòi hỏi thời gian khá lâu, có nhiều sản phẩm phải mất cả tháng trời mới hoàn thành. Việc đan lát xưa nay thường do đàn ông đảm nhận vào lúc rảnh rỗi. Nhưng về sau, nhiều bạn trẻ, phụ nữ trong làng cũng tìm học nghề, trau dồi kỹ thuật, tìm tòi mẫu mã để chế tác nên những sản phẩm thủ công đẹp làm quà lưu niệm bán, có thêm thu nhập.

Gần nhà ông Hùng, nơi góc sân nhà của chị Hồ Thị Huê, chiều xuống thường là nơi các phụ nữ trong làng tập trung xâu cườm. Trong các dịp đặc biệt, lễ hội truyền thống, phụ nữ người Ca Dong, Cor vẫn giữ thói quen mặc trang phục truyền thống cùng đồ trang sức là những chuỗi cườm tự tay kết đầy màu sắc. Đây cũng là một nghề mà các cô gái người Ca Dong, Cor đều được bà, mẹ truyền dạy từ lúc còn nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, nông nhàn, các bà các chị, những thiếu nữ trong làng lại cùng tụ họp, tỉ mẩn ngồi kết, xâu những hạt đá li ti, đủ màu sắc thành những món trang sức như vòng đeo tay, đeo chân, hoa tai, dây chuyền đeo cổ, phụ kiện cho những bộ áo quần thêm màu sắc, tươi tắn,…

Từ nguồn hỗ trợ của Dự án 6, trong năm 2023, huyện Bắc Trà My hỗ trợ trống, chiêng, trang phục, trang sức cho đội cồng chiêng các thôn; hỗ trợ trang bị 4 tủ sách cộng đồng cho các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Tân, Trà Bui của huyện. Bên cạnh đó, địa phương cũng tranh thủ tận dụng các nguồn hỗ trợ khác để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện đề án phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn viên địa phương tại các làng văn hóa.

Từ năm 2023, tổ chức FIDR hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch tại Làng văn hóa Cao Sơn như tập huấn hướng dẫn viên tại điểm, tổ chức tour đón khách thử nghiệm tại làng, hỗ trợ công tác quảng bá, tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các địa phương khác… Bên cạnh đó, địa phương chú trọng mở các lớp tập huấn, truyền dạy nghề đan lát tại xã Trà Sơn và Trà Bui tạo ra sản phẩm du lịch, sản phẩm quà lưu niệm. Qua đó, góp phần tạo thêm thu nhập cho đồng bào, có thêm động lực để giữ gìn các nghề truyền thống của đồng bào Ca Dong, Cor trên địa bàn.

Cộng đồng các làng văn hóa Cao Sơn, Nóc Xa Rơ, Làng Mường... gắn với các giá trị bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo như lễ hội đâm trâu huê; lễ hội mừng lúa mới, các làng điệu dân ca, dân vũ (múa cồng chiêng, đấu chiêng) của người Ca Dong, Cor, Mường đang là điểm đến thu hút du khách. Bên trong những nếp nhà nằm sâu phía rừng, đồng bào Ca Dong, Cor ở huyện Bắc Trà My vẫn cố gắng giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào mình cho thế hệ kế cận, góp phần xây dựng nên những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo thu hút và giữ chân du khách.

Đặc biệt, tháng 12.2021, UBND huyện đã ban hành Đề án số 334 về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, đã thành lập 14 đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch, trong đó có nhiều đội cồng chiêng hoạt động hiệu quả. Hình thành 5 đội cồng chiêng dân tộc Cor, Ca Dong tại các trường Phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú Nước Oa, các trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, Trà Nú, Trần Phú, Nguyễn Bỉnh Khiêm.