Gặp Ba Lin, chàng trai Tây Nguyên đa tài

NHƯ TRANG

VHO - Với trái tim đầy nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật, chàng trai dân tộc Jrai - Rơ Châm Blinh (sinh năm 1994, làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) nghệ danh là Ba Lin đã và đang trên con đường chinh phục giấc mơ nghệ thuật; qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn những nét văn hóa riêng biệt về ngôn ngữ của dân tộc mình qua những lời ca, tiếng hát và hội họa...

Gặp Ba Lin, chàng trai Tây Nguyên đa tài - ảnh 1
Anh Ba Lin với niềm đam mê vẽ tranh, đặc biệt các bức tranh về văn hóa của người đồng bào Jrai

Niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc và hội họa

Trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên đầy nắng và gió, cuộc sống của những người dân Jrai luôn gắn liền với nương rẫy và núi rừng.

Từ nhỏ, anh Ba Lin đã theo mẹ lên những triền đồi nương lúa phụ việc.

Để tới nương rẫy, anh phải đi bộ băng qua những con đường mòn của rừng cao su bạt ngàn thẳng tắp chạy dài hàng chục km.

Trên những con đường mòn đất bóng láng ấy, Ba Lin đã lấy những cành củi khô vẽ lên mặt đất thành những bức tranh có hình thù sinh động khiến mọi người khi bắt gặp đều phải nán lại trầm trồ khen ngợi.

Vì gia đình nghèo khó, giấy vẽ, cái bút chì và hộp màu đối với Ba Lin là thứ xa xỉ, vậy nên đều đặn những khi đi rẫy, lên rừng, Ba Lin đã đem niềm đam mê vẽ của mình in hằn lên trên mặt đất, lên những bức tường của các ngôi nhà bỏ hoang mà mình bắt gặp, đó là những nơi duy nhất lúc này có thể thỏa niềm đam mê, sở thích của anh.

Lớn lên, Ba Lin được đi học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật nhưng vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên chỉ sau đó một thời gian ngắn, anh phải bỏ ngang và đi học vẽ ở ngoài từ các tiệm vẽ tranh, từ những họa sĩ khác.

Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn, ham học hỏi, anh đã dần dần trau dồi được những kinh nghiệm vẽ tranh cho bản thân mình. Từ đó anh đã có thể vẽ những bức tranh có hồn hơn, nghệ thuật hơn và nhờ vậy anh dần có thêm thu nhập từ chính tài năng của mình.

Hằng ngày, khi có người gọi, anh Ba Lin lại tay xách nách mang những dụng cụ đi vẽ tranh tường. Tiền kiếm được từ việc vẽ, anh lại dành dụm đầu tư cho việc thu âm các ca khúc và quay MV để đăng tải lên Youtube cùng các trang mạng xã hội khác.

Gặp Ba Lin, chàng trai Tây Nguyên đa tài - ảnh 2
Đối với anh Ba Lin, vẽ tranh vừa là đam mê, vừa là công việc để “nuôi” sống tình yêu âm nhạc của mình

Anh tâm sự: “Đối với mình, vẽ tranh không chỉ là một niềm đam mê, mà mình còn có thể dựa vào niềm đam mê ấy để kiếm thêm thu nhập nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Hơn thế nữa, số tiền kiếm được từ việc vẽ tranh, mình dành dụm một phần để “nuôi” niềm đam mê lớn khác đó là âm nhạc”.

Giữ gìn tiếng “mẹ đẻ” qua các ca khúc âm nhạc

Song song với vẽ tranh, anh Ba Lin có một chất giọng khàn lạ, khỏe khoắn, nhiều cảm xúc, mang âm hưởng của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.

Ba Lin kể rằng, khi được học bổ túc văn hóa tại trường, anh vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, trong quá trình ấy anh gặp không ít áp lực và mệt mỏi.

Giữa cuộc sống bộn bề, nhiều gian nan, bản thân lại là một người khó bày tỏ xúc qua lời nói, nên anh đã tự sáng tác những bài hát từ chính tâm tư, tình cảm của mình như việc giải tỏa nỗi lòng của một người con xa nhà, bươn chải, chật vật với cuộc sống khó khăn ngoài xã hội.

Anh Ba Lin có nhiều bài hát (cover) đăng tải trên Youtbe như: Nồng nàn Cao nguyên (sáng tác Krajan Dick) đạt 3.3 triệu lượt xem, Gió vẫn hát (sáng tác Long Phạm) đạt 7.9 triệu lượt xem...

Ngoài thể hiện những ca khúc (cover), anh còn tự sáng tác và hát rất nhiều bài hát với nội dung gần gũi, thân thuộc từ cuộc sống hàng ngày, từ tình cảm đôi lứa, văn hóa và người Jrai trên miền đất đỏ bazan. Đặc biệt, với ca khúc Ba Lin tự sáng tác và thể hiện song ngữ Jrai - Việt: Khăp Adơi Na Nao (Yêu em mãi mãi) đạt 3.1 triệu lượt xem.

Sau những thành quả ban đầu đạt được, anh Ba Lin thấy rằng những bài hát song ngữ giữa tiếng Jrai và tiếng Việt được mọi người yêu thích và đón nhận. Thế nhưng tiếng mẹ đẻ Jrai là một ngôn ngữ rất khó học; vì vậy, để viết lời thành thạo, anh Ba Lin đã lên các trang mạng tìm tòi và mày mò tự học.

Gặp Ba Lin, chàng trai Tây Nguyên đa tài - ảnh 3
Anh Ba Lin thể hiện các ca khúc song ngữ bên mái nhà rông

Cứ như thế, chàng trai Jrai đã viết những ca khúc song ngữ với giai điệu tràn đầy cảm xúc, mộc mạc. Những câu từ chan chứa nỗi niềm, mỗi khi Ba Lin hát lên đều đem lại cho người nghe những cảm xúc bồi hồi, sâu lắng, da diết.

“Tôi rất tự hào vì mình là một người con Jrai, văn hóa của người Jrai có nét đặc biệt riêng và có những cái hay riêng, nên tôi đang ấp ủ tương lai sẽ đưa những âm thanh của cồng chiêng vào trong các ca khúc song ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Jrai, thử làm mới và thay đổi để các bài hát có sự đặc biệt hơn’’.

“Với cuộc sống hiện đại ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, các bạn trẻ DTTS được tiếp cận với đa dạng nền văn hóa khác nhau.

Vì vậy tiếng dân tộc đang dần bị mai một, các bạn chỉ học nói thông qua cuộc sống hàng ngày còn về phần học thêm để hiểu và đi sâu vào ý nghĩa của ngôn ngữ Jrai thì vẫn còn hạn chế.

Tôi sáng tác các ca khúc song ngữ với mong muốn khi các bạn trẻ cùng mọi người nghe được sẽ thêm yêu và hứng thú hơn với cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Jrai.

Từ đó mọi người trong cộng đồng người Jrai có ý thức hơn trong việc gìn giữ và phát huy tiếng mẹ đẻ của mình”, anh Ba Lin kỳ vọng.

Hoàng hôn buông xuống, bên hiên nhà rông, anh Ba Lin lại vừa đàn vừa hát các ca khúc của mình sáng tác song ngữ cho bà con buôn làng cùng nghe.

Tiếng hát cứ thế vang vọng cả một khoảng sân nhà rông văn hóa, len lỏi vào tâm trí của mọi người một niềm tin yêu vào cuộc sống với những thông điệp ngọt ngào, sâu lắng giữa những ca từ tiếng Việt và tiếng Jrai đan xen, xua tan mệt nhọc sau một ngày dài trên vùng đất Ia Ka của một chiều yên bình.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc