Gần nhau hơn nhờ tiếng cồng chiêng, trống Kơtoang

PHAN HIẾU

VHO - Hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025), tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

 Gần nhau hơn nhờ tiếng cồng chiêng, trống Kơtoang - ảnh 1
Trong không khí rộn ràng tại Lễ hội Thần làng (Quai Yang Cham) của người Chăm Hroi ở huyện Vân Canh, tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống Kơtoang… vang lên làm mọi người xích lại gần nhau hơn

 Như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Bana ở huyện Vĩnh Thạnh trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một bản sắc văn hóa riêng biệt. Ngày nay, cho dù đã có nhiều sự thay đổi, phát triển, nhưng đồng bào Bana vẫn luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã phục dựng các nghi lễ truyền thống như: Lễ cúng nhà Rông mới, lễ mừng lúa mới; tổ chức các chương trình, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, trong đó có hát Hơ mon, truyện kể, múa xoang, mở các câu lạc bộ, lớp bồi dưỡng về nghệ thuật dân gian, giảng dạy đánh cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm. Điểm nổi bật nhất là huyện đã thành lập được 11 CLB cồng chiêng và tích cực tham gia Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số do tỉnh, huyện và các địa phương tổ chức.

Nhắc đến câu chuyện bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, ông Đinh Y Nam, Phó Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Bình Định cho biết: “Nằm trong tổng thể “bức tranh” văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định, huyện Vĩnh Thạnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 Gần nhau hơn nhờ tiếng cồng chiêng, trống Kơtoang - ảnh 2
Tỉnh Bình Định chú trọng gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc để phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thực hiện Dự án 6, mới đây Sở VHTT Bình Định đã xây dựng điểm mô hình văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Bana ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh; mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào Hrê xã An Trung, huyện An Lão… Những mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con gìn giữ những điệu múa xoang, diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân Đinh Văn Miên (dân tộc Hrê), xã An Trung, huyện An Lão bày tỏ: “Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê ở địa phương, có lẽ những nét đẹp văn hóa quý báu của chúng tôi sẽ dần mai một. Điều đáng mừng qua những đợt kiểm kê, tập huấn truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho thấy còn nhiều nghệ nhân nắm giữ được vốn quý của cha ông và đã có nhiều người trẻ chịu học, có như vậy di sản văn hóa của dân tộc Hrê mới được giữ gìn”.

Nhận thấy được tầm quan trọng, tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, trong đó Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, là một trong những dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh Bình Định chú trọng.

 Gần nhau hơn nhờ tiếng cồng chiêng, trống Kơtoang - ảnh 3
Mô hình bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho đồng bào Hrê ở xã An Trung, huyện An Lão

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong năm 2024, từ Dự án 6, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão; các nhà văn hóa, khu thể thao của các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và hỗ trợ trang thiết bị cho 17 nhà văn hóa, khu thể thao thôn thuộc các huyện trên; xây dựng kế hoạch tổ chức, khảo sát và xây dựng kịch bản tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm Hroi, huyện Vân Canh; kế hoạch tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Bana gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghề đan lát truyền thống của đồng bào Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh tại thôn K3, xã Vĩnh Sơn và thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp; mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ… đáp ứng tối thiểu nhu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ truyền thống tại Vĩnh Thạnh”.

Theo ông Thanh, thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án 6 tại các địa phương để đảm bảo chính sách đi vào đời sống thực tiễn mang lại hiệu quả cao.