Đổi thay ở Xắng Hằng

NGUYỄN LINH - LƯƠNG DIỄN

VHO - Từ một bản làng nơi biên viễn khó khăn và đầy thử thách, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, Xắng Hằng (xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đang ngày một “thay da đổi thịt” nhờ những chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước…

Đổi thay ở Xắng Hằng - ảnh 1
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương luôn sát cánh hỗ trợ đồng bào triển khai các mô hình kinh tế mới, cũng như đảm bảo an ninh trật tự đường biên

 Gian khó đã lùi xa

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, vượt hơn 100 km đường đèo dốc, chúng tôi đến với Xắng Hằng vào một ngày đầu đông lạnh giá. Những khúc cua tay áo quanh co và con đường núi hun hút kéo dài tưởng như vô tận. Sau hơn ba giờ băng qua cung đường thử thách, khung cảnh bình yên của bản làng đã hiện ra với những nếp nhà sàn xinh xắn thấp thoáng bên triền đồi, bao quanh bởi đại ngàn hùng vĩ.

Xắng Hằng là nơi sinh sống của 115 hộ đồng bào dân tộc Thái, đã bao đời gắn bó với những rẫy lúa, nương ngô. Người dân nơi đây từng phải chịu nhiều khó khăn bởi thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt và điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Với nỗ lực vượt khó vươn lên và sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, những năm qua, diện mạo của bản làng đã có nhiều đổi thay, thiếu ăn, thiếu mặc đã lùi xa.

Anh Lò Văn Nhẫn, một trong những người dân Xắng Hằng không khỏi xúc động khi nhớ lại cái thủa gian khó mà bản làng đã trải qua. Anh kể, trước kia, đường vào bản chỉ là những lối mòn gập ghềnh, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù. Không có điện lưới, khi màn đêm buông xuống, ánh sáng duy nhất chỉ le lói hắt ra từ những chiếc đèn dầu. Giờ đây, Xắng Hằng đã đổi thay nhiều lắm. Điện được kéo về tận các nếp nhà, lối mòn sống trâu ngày trước được thay bằng đường bê tông phẳng lỳ. Cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, ấm no, hạnh phúc…

“Ký ức không thể quên là trận lũ năm 2017, mưa lớn kéo dài suốt nhiều ngày, lũ từ trên núi đổ xuống dữ dội, chỉ trong chốc lát đã cuốn phăng trường học, nhà cửa, ruộng nương, vườn tược... Nhìn cảnh hoang tàn, tang thương sau bão lũ, ai cũng nghĩ đây chính là ngày tận thế”, anh Nhẫn hồi tưởng.

Sau trận lũ là chuỗi thời gian đầy thử thách với dân bản Xắng Hằng. Không có trường cho trẻ em đến lớp, những gia đình mất nhà phải dựng tạm lều để ở, nương rẫy bị vùi lấp khiến cuộc sống bội phần khó khăn. “Nhiều người suy sụp tưởng không thể nào gượng dậy được”, anh Nhẫn kể lại mà ánh mắt vẫn còn pha chút bàng hoàng.

Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, tia sáng hy vọng đã lóe lên giữa những ngày gian khó. “Ngay sau trận lũ, các đoàn cứu trợ đã nhanh chóng đến với bản, mang theo lương thực, nhu yếu phẩm và vật liệu dựng nhà. Sau đó, chính sách hỗ trợ tái thiết cũng được triển khai, từ xây dựng trường học, làm đường giao thông đến hỗ trợ giống cây trồng và vốn vay cho người dân tái sản xuất…”, anh Nhẫn cho biết.

Chỉ sau thời gian ngắn, Xắng Hằng đã dần hồi phục. Ngôi trường mới khang trang mọc lên ở vị trí an toàn hơn, những con đường bê tông thay thế cho lối mòn ngày trước, và nương rẫy xanh mướt lại phủ đầy sắc màu của sự sống. “Chúng tôi đã vực dậy từ trong khó khăn và bắt đầu một hành trình mới tốt đẹp hơn”, anh Nhẫn xúc động nói.

Niềm tin vào tương lai đổi mới

Những năm trở lại đây, Xắng Hằng đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ ở bản. Đặc biệt, năm 2019, Xắng Hằng đã được công nhận là bản đạt chuẩn Nông thôn mới.

Nỗ lực trong triển khai các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo động lực cho họ chủ động vươn lên. Từ những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, giờ đây, bà con đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào mô hình kinh tế quy mô hơn. Tiêu biểu là gia đình ông Ngân Văn Hành, nhờ chuyển từ canh tác truyền thống sang nuôi gia súc sinh sản, đến nay đàn trâu của ông đã phát triển lên 8 con, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Hành chia sẻ: “Con trâu là đầu cơ nghiệp, chúng giúp tôi vững tâm trong hành trình thoát nghèo”.

Nằm sát biên giới với Lào, bản Xắng Hằng và bản Cân (huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào) có mối quan hệ gắn bó sâu sắc. Hai bản thường xuyên hỗ trợ nhau giống cây trồng, kỹ thuật canh tác và cùng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Từ năm 2013, mối quan hệ này càng được củng cố khi hai bản kết nghĩa anh em, cùng bảo vệ đường biên giới, giữ gìn an ninh khu vực.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Xắng Hằng vẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn về đất sản xuất. Người dân mong muốn được giao thêm diện tích đất rừng để canh tác, giúp họ ổn định sinh kế, gắn bó với quê hương.

Bên cạnh phát triển kinh tế, nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới cũng là trọng tâm. Trung tá Bàn Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương khẳng định: “Xắng Hằng luôn là điểm sáng trong việc giữ gìn an ninh biên giới”.

“Với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án đối với vùng DTTS, chúng tôi tin rằng, bản Xắng Hằng nói riêng và xã biên giới Yên Khương nói chung sẽ ngày càng vươn lên. Bản làng không chỉ đẹp hơn mà còn đáng sống hơn”, ông Lò Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương khẳng định.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc