Độc đáo nghi thức lễ cấp sắc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên

NHƯ ĐỒNG

VHO - Lễ cấp sắc (nghi lễ cúng then) là một trong những nghi lễ độc đáo, lâu đời của người Tày ở tỉnh Thái Nguyên.

Độc đáo nghi thức lễ cấp sắc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên - ảnh 1
Tái hiện nghi lễ cấp sắc

Tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc đang diễn ra tại Quảng Ngãi, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thái Nguyên đã tái hiện nghi lễ cấp sắc, một trong những nghi lễ thiêng liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Tày vùng Tây Bắc.

Năm 2019, thực hành nghi lễ cấp sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ cấp sắc chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, thể hiện thế giới quan và nhân sinh của người Tày, Nùng Thái. Nghệ nhân thực hành nghi lễ cấp sắc là những thầy cúng chuyên nghiệp được truyền nghề theo hình thức cha truyền con nối từ đời này sang đời khác.

Độc đáo nghi thức lễ cấp sắc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên - ảnh 2

Trước khi trở thành thầy cúng, các nghệ nhân phải trải qua nghi thức thụ giới cấp sắc

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách cho biết: “Trước khi trở thành thầy cúng, các nghệ nhân phải trải qua nghi thức thụ giới cấp sắc. Nghi lễ này còn được gọi là đại lễ lẩu then khai quang cấp sắc. Mỗi cuộc đại lễ thụ giới cấp sắc thường được diễn ra trong thời gian 3 ngày với nhiều thủ tục, nghi lễ khác nhau, thể hiện tính nguyên hợp đặc sắc của lễ cấp sắc”.

Để được làm nghề thầy cúng, bản thân ngoài việc phải có gia đình, dòng họ nhiều đời làm nghề thầy cúng, còn phải là người thực sự có năng lực, kiến thức sâu rộng, uy tín trong cộng đồng. Thầy cúng phải biết đọc sách cổ, biết xem hướng, ngày đẹp, vận mệnh, tướng số. Ngoài ra, thầy cúng còn phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, trong đó nhân cách đạo đức được coi trọng hàng đầu.

Độc đáo nghi thức lễ cấp sắc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên - ảnh 3
Hoàn thành nghi lễ cấp sắc

Lễ cấp sắc được người dân coi là nghi lễ khá nghiêm ngặt, có nhiều tiêu chí. Là ngày trọng đại và vui chung không chỉ của gia đình, dòng họ mà của cả cộng đồng làng xã, nên việc chuẩn bị lễ cấp sắc được chuẩn bị trước đó cả tháng (chuẩn bị lương thực, thực phẩm; tìm thầy, chọn ngày lành, tháng tốt...).

Đặc biệt, một yêu cầu rất quan trọng trong thực hành nghi lễ cấp sắc, là phải mời được thầy có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình, hầu như việc trao truyền chỉ thực hiện trong dòng họ.

“Sau khi các thủ tục của lễ cấp sắc hoàn thành, thầy cúng cao tay chủ trì buổi lễ đội mũ, mặc áo cho người vừa được cấp sắc.

Với áo mũ dùng thực hành nghi lễ tâm linh, người vừa được cấp sắc kính vái Ngọc Hoàng, thánh thần các phương.

Sau cùng là lễ tạ ơn, báo cáo Ngọc Hoàng, thánh thần, tổ tiên, dòng họ về việc cấp sắc thành công viên mãn”, nghệ nhân Bách chia sẻ.

Kể từ đây, người được cấp sắc trở thành một thầy cúng thực thụ, có thể làm “trung gian” giữa Ngọc hoàng, các vị thánh thần và cộng đồng. Và làm trung gian giữa người 2 cõi âm - dương.

Cũng từ đây người được cấp sắc được phép thực hành các nghi lễ cúng đám ma, đám cưới, mừng thọ, giải hạn, vào nhà mới, cúng trẻ đầy tháng…

Độc đáo nghi thức lễ cấp sắc của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên - ảnh 4
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách là một trong những người trẻ gìn giữ bản sắc độc đáo có riêng của đồng bào dân tộc Tày

Quy trình thực hành lễ cấp sắc đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Tày. Đồng thời, cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ.