Độc đáo nghệ thuật đấu chiêng của đồng bào Cor Quảng Ngãi

NHƯ ĐỒNG

VHO - Nghệ thuật đấu chiêng của đồng bào Cor tỉnh Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, góp phần vào sự đa dạng phong phú của văn hóa cồng chiêng nói riêng và nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung.

Độc đáo nghệ thuật đấu chiêng của đồng bào Cor Quảng Ngãi - ảnh 1
Biểu diễn đấu chiêng của đồng bào Cor huyện Trà Bồng

Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) có lịch sử lâu đời, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng của dân tộc Cor. Đặc điểm nổi bật sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Cor là tạo ra các bài chiêng có ý nghĩa thiết thực, linh hoạt và dung hòa. Nhiều cô gái Cor say mê các chàng trai Cor ở trò chơi đấu chiêng và họ đã nên duyên chồng vợ nhờ đấu chiêng. Đấu chiêng của người Cor Trà Bồng được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy không đồ sộ nhưng di sản cồng chiêng của dân tộc Cor vẫn có sự đa dạng, độc đáo riêng. Trong đó, đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc, với các giá trị về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách chơi, cách trình diễn, cách phô diễn hình thể mang tính thi đua cao, thể hiện khả năng sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của dân tộc Cor.

Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên, không rõ diễn tấu đấu chiêng xuất hiện từ khi nào và có từ đời nào, chỉ biết rằng từ khi người Cor sinh sống tại xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng con cháu người Cor đã thấy ông, bà hàng năm đều tổ chức lễ tết ngã rạ (hội mùa) vào tháng 11 hàng năm và trong phần hội của lễ hội này đều có diễn tấu đấu chiêng nhằm thử tài giữa trai làng này với làng khác.

“Diễn tấu đấu chiêng hiện hữu trong cộng đồng người Cor ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng cũng rất lâu đời, và được sinh ra từ chính cuộc sống lao động, sinh hoạt tinh thần của người Cor ở đây, nên nó mang tính lịch sử và nhân văn sâu sắc thể hiện nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa và sức sống riêng của dân tộc mình”, ông Biên cho hay.

Độc đáo nghệ thuật đấu chiêng của đồng bào Cor Quảng Ngãi - ảnh 2
Nghệ nhân Hồ Văn Biên (bên trái) đang biểu diễn đấu chiêng tại Lễ hội Điện Trường Bà

Dàn chiêng của người Cor chỉ có 2 chiếc chiêng bằng là chiêng vợ, chiêng chồng cùng một chiếc trống. Khi tấu lên, âm thanh của chiêng vang cả núi rừng, rộn ràng cả làng quê. Người Cor thường chơi các bài chiêng chính như “Chiêng chào khách”, “Chiêng tiễn khách”, “Chiêng cúng thần linh, ông bà” và diễn tấu cồng chiêng, trong đó đấu chiêng là màn biểu diễn hấp dẫn nhất. Đấu chiêng của người Cor thể hiện cả trí lực và thể lực của người tham gia. Bởi thế, thường chỉ có những trai làng khỏe mạnh, tài trí nhanh nhẹn mới được già làng chọn vào đội tham gia.

Theo tài liệu của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đấu chiêng tiếng Cor gọi là Topcheck. Người Cor sống ở vùng đường nước, gần sông, suối có cách đấu chiêng khác với người Cor sống ở vùng đường rừng, gần núi cao rừng sâu. Đấu chiêng của người Cor có 3 nhân vật chính gồm: Người chơi trống, chiêng đực tượng trưng cho chiêng chồng và chiêng cái gọi là chiêng vợ. Mở đầu cho tiết mục đấu chiêng là người chơi trống, sau đó là chiêng chồng và cuối cùng là chiêng vợ. Trống sử dựng trong đấu chiêng như trọng tài trong một trận đấu. Tiết tấu trống mở đầu bao giờ cũng chậm thong thả sau đó tăng dần tốc độ và càng về sau càng thúc giục dồn dập hơn.

Đấu chiêng của người Cor giống như hình thức thi thố xét chọn người người tài năng có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật đánh chiêng. Người đánh chiêng đực và chiêng cái thể hiện rõ tài năng ứng tác của mình. Sự phân định thắng, thua trong đấu chiêng cũng được các già làng nêu rõ. Người nào có khả năng về nghệ thuật đấu chiêng là người có những ứng tác nhanh nhẹn kịp thời còn người nào sử dụng chiêng theo một điệu đánh không có hồn, âm thanh tiết tấu lặp đi lặp lại thì được xem là bị thua.

Nghệ nhân ưu tú Hồ Ngọc An, thôn 2, xã Trà Thủy cho biết, ngày xưa trong lễ hội ăn trâu, tết ngã rạ bà con đồng bào Cor trong làng thường tổ chức đấu chiêng theo tư thế ngồi đánh còn bây giờ tư thế khác xưa là đứng đánh. Hai bên đứng đối diện nhau, tay đeo chiêng, tay cầm dùi gõ, di chuyển theo nhịp chiêng khi tiến khi lùi, khi lắc mông khi ngoéo chân vào nhau, còn người ở giữa thì đeo trống vào cổ, dùng tay vỗ nhịp di chuyển theo.

Nhịp điệu chiêng nhanh hay chậm tùy thuộc ở sự hứng khởi của người đánh  chiêng và người chơi trống. Người chơi đấu chiêng thể hiện tình cảm của mình thông qua nét mặt và di chuyển bước chân, thân hình lắc lư liên tục. Thăng hoa nhất là khi họ nhảy múa cùng hòa vào giai điệu tiếng chiêng. Nét đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn của đấu chiêng là sự ngẫu hứng và sáng tạo. Chính những nét đẹp này, đã tạo nên sự hứng khởi cao độ cho người xem.

Độc đáo nghệ thuật đấu chiêng của đồng bào Cor Quảng Ngãi - ảnh 3
Điệu múa cà đáo của cô gái Cor hòa cùng tiếng cồng chiêng

“Thời trai trẻ trong lễ hội làng Cor ông thường cùng các trai làng thi đấu chiêng. Đấu chiêng vừa vui vừa rèn luyện được thân thể, đôi tay chắc khỏe, lao đông nương rẫy không biết mệt mỏi… Bây giờ già rồi không thi đấu chiêng được, mỗi lần xem thấy các trai làng thi đấu già vui lắm…”, nghệ nhân An bày tỏ.

Anh Hồ Văn Xu là con rể của nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An, ở thôn 2, xã Trà Thủy. Từ nhỏ, anh đã được sống trong không gian văn hóa đậm bản sắc dân tộc với những lễ cúng, lễ hội của làng như lễ hội đâm trâu, tết ngã rạ, mừng lúa mới, cúng thần... Vì thế, tình yêu, niềm đam mê văn hóa dân tộc được bồi đắp trong anh theo năm tháng.

Anh Xu không nhớ mình biết đánh chiêng từ lúc nào, chỉ nhớ rằng “thấy các cụ đánh chiêng mình rất thích, thường lắng nghe, để ý cách các cụ đánh chiêng, đánh trống, phân biệt từng điệu chiêng, tiếng trống rồi tập đánh, riết rồi thành quen. Nay anh Xu có thể đánh thuần thục tất cả các bài chiêng từ cơ bản đến khó nhất, đặc biệt là tiết mục đấu chiêng.

"Tôi cùng các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Cor ở xã Trà Thủy đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tham gia truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ...", anh Xu chia sẻ.