Để mỗi sản phẩm là một câu chuyện
VHO - Đồng Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Yên. Nơi đây, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời, với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Trong số đó, nghề đan lát của đồng bào Ba Na và Chăm tại đây là một nghề thủ công truyền thống không thể thiếu, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.

Với đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã tạo ra các sản phẩm tinh xảo như giỏ, rổ, nón, thúng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Các sản phẩm không chỉ có độ bền cao mà còn thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ qua những hoa văn, họa tiết độc đáo.
Mỗi sản phẩm đan lát đều mang trong mình những câu chuyện về tín ngưỡng, cuộc sống và những ước vọng của người dân nơi đây.
Theo nhiều nghệ nhân, ngày trước bà con trong làng quanh năm làm nương, rẫy để sinh sống nên những vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày đều phải tự làm lấy nên hầu như ai cũng biết nghề đan đát.
Già Mang Hiếu (92 tuổi), ở xã Xuân Quang 2 cho biết, muốn có sản phẩm tốt, phải biết chọn nguyên liệu. Mỗi cây giang, mỗi thanh tre... đều phải lựa chọn cây thẳng, dài và có tuổi ít nhất một năm để sản phẩm bền lâu.
Ngoài ra phải xem xét độ già, độ dẻo dai của từng cây. Những cây quá già sẽ cứng, khó uốn còn những cây quá non thì yếu ớt, dễ gãy vụn trong quá trình chế tác.
“Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật. Dù làm cái gì cũng phải làm với tâm huyết, không được qua loa, cẩu thả. Đối với tôi, mỗi chiếc giỏ, chiếc gùi không chỉ là công cụ mà còn là sản phẩm mang dấu ấn văn hóa, chứa đựng cả những câu chuyện về cuộc sống và tín ngưỡng của người dân nơi đây”, già Mang Hiếu chia sẻ thêm.

Còn Nghệ nhân La Mo Đướu (71 tuổi) cho rằng, đan lát không chỉ đơn thuần là nghề mà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bán, mà còn là để gìn giữ những giá trị văn hóa của cha ông.
Đơn cử, những chiếc gùi lớn thường được làm với họa tiết hoa văn tinh xảo, thể hiện mong muốn về một vụ mùa bội thu, về sự ổn định và thịnh vượng trong cuộc sống.
“Tôi tin rằng, chỉ khi nào những người trẻ biết yêu quý nghề truyền thống và phát huy sáng tạo, nghề đan lát mới có thể phát triển bền vững trong tương lai”, ông Đướu tâm tư.
Nghề đan lát thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Xuân đặc biệt coi trọng yếu tố kinh nghiệm, quá trình hoàn thành một sản phẩm đan lát có thể kéo dài từ một tuần đến lâu hơn, tùy vào kích thước và độ phức tạp của từng sản phẩm.
Sau khi hoàn thiện, sản phẩm sẽ được treo lên gác bếp. Khói từ bếp không chỉ giúp bảo vệ sản phẩm khỏi mối mọt mà còn tạo ra màu đen đặc trưng, làm tăng thêm vẻ đẹp truyền thống và sang trọng cho sản phẩm.
Vài năm trở lại đây, các sản phẩm đan lát của đồng bào đã được biết đến rộng rãi và tiêu thụ nhiều hơn thông qua các sự kiện văn hóa, hội chợ và đặc biệt là nhờ sự phát triển của du lịch cộng đồng có nhiều du khách biết đến, đặt mua những sản phẩm thủ công này.
Một chiếc gùi lớn, có thể chứa khoảng 15 kg lúa, giá lên đến 500.000 đồng, trong khi những chiếc gùi nhỏ dùng làm đồ trang trí có thể bán với giá 200.000 đồng.
Những sản phẩm này có giá trị cao hơn nếu người thợ sử dụng kỹ thuật đan phức tạp và kết hợp với các họa tiết hoa văn tinh xảo, thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nghề đan lát đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khiến cho nghề truyền thống này có nguy cơ bị mai một nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cấp chính quyền địa phương.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Đồng Xuân cho biết: “Nghề đan lát đang phải đối mặt với nhiều thách thức khiến nguy cơ bị mai một. Một trong những thách thức lớn nhất chính là người trẻ ngày nay ít mặn mà với các nghề thủ công truyền thống, do nhu cầu công việc ổn định, thu nhập cao hơn từ các công việc khác và sự phát triển của công nghệ, khiến họ không còn hứng thú với những công việc đan lát tỉ mỉ, vất vả và thu nhập không cao. Vì thế, để giữ gìn nghề đan đát truyền thống, huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, gắn với du lịch cộng đồng theo Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo ông Hùng, địa phương rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc gắn nghề đan đát thủ công với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống đặc trưng với khách du lịch.
Qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.