Đắk Lắk gỡ vướng trong cấp đất cho đồng bào dân tộc
VHO - Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa thông tin kết quả giám sát tình hình quản lý, sử dụng đất ở, đất sản xuất do Nhà nước giao hoặc cấp, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với những thông tin không mấy lạc quan, rất cần có những biện pháp tháo gỡ ách tắc.
Theo một thành viên Ban này, đây là vấn đề đã tồn tại ở vùng bà con dân tộc thiểu số sinh sống, có xu hướng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị. Trong đó, nổi cộm là người dân đã chuyển quyền sử dụng đất Nhà nước cấp hoặc giao, cho các đối tượng sở hữu khác, dẫn đến vướng mắc khi địa phương cần quy hoạch, thu hồi đất cho các dự án phát triển.
Tồn tại nhiều vướng mắc…
Báo cáo kiểm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk cho thấy, toàn tỉnh có 1.266 hộ dân đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hơn 443 hecta cho các đối tượng khác nhau; trong đó có gần 8 ha đất ở, hơn 433 ha đất sản xuất. Các diện tích đất này vốn được Nhà nước giao hoặc cấp cho người dân, thuộc các chương trình 132, 134, 775 và 2085, là các chương trình cấp đất, bố trí đất ở và canh tác cho bà con các dân tộc thiểu số.
Thực tế người dân phản ảnh, là đời sống kinh tế khó khăn, buộc họ phải có những chọn lựa cải thiện thu nhập. Do nhiều vùng đất canh tác liên đới những dự án phát triển đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị, giá đất thị trường tự do tăng cao, nên người dân dễ chấp nhận thỏa hiệp chuyển nhượng cho các đối tượng sở hữu khác, trong đó nhu cầu chuyển đổi sang đất ở là ưu thế.
Song bởi quy hoạch địa phương hạn chế sự chuyển đổi, nên nhiều năm qua, hiện tượng người dân chuyển nhượng đất mà không làm được thủ tục pháp lý diễn ra phổ biến, gây trở ngại đến việc quy hoạch, thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển. Thậm chí, nhiều vụ việc người dân tự ý chuyển nhượng đất sai mục đích, đã quá hạn 10 năm nhưng vì các chính sách bố trí đất chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nên các cấp chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng không thể tháo gỡ được.
Theo Ban Dân tộc, tình hình này, nếu không thể xử lý sớm thì càng lâu ngày càng ách tắc, đặc biệt nếu thời gian tới, việc thực hiện các Luật mới liên quan đến đất đai được tiến hành, công tác sắp xếp xử lý sẽ càng khó khăn hơn.
Cụ thể với những khu vực đất bố trí cho đồng bào trước đây, đều liên quan đất canh tác. Thậm chí đất quy hoạch an ninh lương thực, nhưng qua thời gian đã bị xâm phạm nhiều, bị chuyển đổi mục đích sử dụng, nhiều nơi bỏ hoang hóa không còn canh tác. Công tác lưu trữ hồ sơ của các cấp quản lý cơ sở, từ sổ sách kế thừa, hồ sơ bàn giao qua các chương trình không được tổ chức tốt, dẫn đến không còn giấy tờ, hoặc không đầy đủ hồ sơ. Do đó khi va chạm vào những khu vực đất bố trí này, cơ quan quản lý chức năng rất lúng túng.
Mặt khác, do tốc độ đô thị hóa ở một số nơi diễn biến nhanh theo thị trường, việc quản lý không theo kịp. Bộ máy hành chính địa phương còn nhiều bất cập, thiếu nhân lực chuyên môn. Một số chính sách, chế độ triển khai lại chồng chéo; đơn cử việc bố trí đất theo các chương trình như 132, 134, hiện không còn phù hợp tiến trình đô thị hóa cơ sở. Tất cả khiến việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các phân khu bố trí cho người dân bị trở ngại.
Gỡ vướng từ khâu hợp tác
Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk, để thay đổi tình hình này, từng bước chấn chỉnh quản lý và bố trí hiệu quả đất cho đồng bào dân tộc, cần nghiên cứu đánh giá một số vấn đề.
Thứ nhất, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thời gian qua còn những hạn chế nhất định.
Do đó, các cấp địa phương phải đồng bộ, quán triệt tinh thần chỉ đạo chung, thống nhất áp dụng các luật mới và cơ chế hành chính mới, nâng cao trách nhiệm các khối cơ sở. Cần xây dựng những bước quy hoạch, kế hoạch định hướng sát với tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tận đặc điểm của từng buôn, từng khu vực nông thôn và khu vực đô thị, để phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, cần tăng cường, vận động người dân hợp tác, thực hiện đúng các dự án, kế hoạch bố trí khai thác quỹ đất địa phương; cần tạo sự đồng thuận chung trong từng bước triển khai tái quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
Thực tế các địa phương đến nay đều không còn quỹ đất sạch để bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phần quỹ đất thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao địa phương quản lý, hiện vẫn chưa có ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương, chưa thể bố trí sử dụng.
Phần quỹ đất do địa phương quản lý lâu nay bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhiều năm, để bố trí cho các hộ đồng bào, cần kinh phí bồi thường, hỗ trợ. Quy định tiền ngân sách hỗ trợ người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép đất canh tác, lại không khả thi, vì giá đất tăng, các đối tượng chủ yếu là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, khả năng huy động hỗ trợ từ người thân, dòng tộc rất hạn chế.
Đánh giá từ các cơ quan chuyên môn cho thấy, những quy định mới trong Luật đất đai sửa đổi đang tạo tín hiệu tốt, khi đất canh tác nông nghiệp có thể chuyển nhượng với giá thị trường, mở cơ hội cho người dân tổ chức hợp tác canh tác, đầu tư nông nghiệp chuyên canh, có diện tích lớn… Điều này kích thích sản xuất và định hướng để đồng bào dân tộc thiểu số không còn chọn chuyển nhượng đất được bố trí nữa.
Theo đó, dự báo từ năm 2025, diện tích đất canh tác có thể được duy trì ổn định, dù các địa phương đều tăng cường đô thị hóa. Song những tác động thị trường vẫn luôn đe dọa làm xáo trộn quỹ đất địa phương, mà Đắk Lắk lại là khu vực bất động sản đang “nóng dần”.
Do đó, yêu cầu kiểm soát, hợp tác cùng người dân tổ chức cơ cấu lại, và bảo vệ được đất bố trí quy hoạch ở tỉnh này, là vấn đề cực kỳ nhạy cảm nhưng cần thiết phải làm được.