Đặc sắc Ngày hội Kiêng gió

NGUYỄN QUÂN

VHO - Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 9-12.5.2024 (tức từ mùng 1 đến mùng 4 tháng Tư âm lịch) diễn ra Hội Kiêng gió năm 2024 tại xã Đồng Văn. Đây là ngày Hội lớn nhất của đồng bào Dao Thanh Phán sinh sống tại xã biên giới Đồng Văn.

Đặc sắc Ngày hội Kiêng gió  - ảnh 1

Tiết mục hát Pả Dung được trình diễn trong Ngày hội

Ngày 11.5 (tức mùng 4 tháng Tư âm lịch), tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã diễn ra Khai mạc Ngày hội Kiêng gió năm 2024.

Tại Ngày hội, các đại biểu, nhân dân, du khách đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc huyện Bình Liêu như: Hát Pả Dung; trích đoạn đám cưới người Dao Thanh Phán; trích lễ cấp sắc của người Dao; múa; hát Then…

Trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc như: Thi văn nghệ giữa các thôn, bản; thi các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co; thi đồng diễn xào phở và trưng bày ẩm thực; trình diễn thêu họa tiết trang phục dân tộc; chương trình khai hội Kiêng gió; thi đấu, giao lưu bóng bàn, bóng chuyền hơi; thi chọi chim Họa mi, Chào mào; giao lưu văn nghệ, nhảy dân vũ…

Các năm trước, Ngày hội Kiêng gió cũng đã được tổ chức ở thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà nhưng với quy mô nhỏ. Năm nay, lần đầu tiên hội được tổ chức tại xã Quảng An, nơi có người Dao sinh sống đông nhất huyện, chiếm tới 55% dân số toàn xã với quy mô lớn hơn.

Ngày hội Kiêng gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Đồng bào quan niệm vào ngày 4.4 Âm lịch hằng năm, cả gia đình ra khỏi nhà từ sớm để thần gió vào nhà mang đi những rủi ro, phiền muộn và đem vào nhà họ những điều tốt lành, ấm no, sung túc.

Đặc sắc Ngày hội Kiêng gió  - ảnh 2

Trình diễn trang phục ngày cưới của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán tại Ngày hội Kiêng gió 2023. Ảnh: Duy Khoa

Hằng năm, vào ngày 4.4 Âm lịch, người Dao Thanh Phán sẽ không ở trong nhà, vì người ta quan niệm nếu có sự hiện diện của người thì thần Gió sẽ không vào nhà. Trong ngày này, người Dao Thanh Phán sẽ dừng mọi hoạt động sản xuất, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, không cuốc đất… vì họ cho rằng làm bất cứ việc gì cũng sẽ không có thành quả. Họ tụ tập vui chơi ở những nơi mát mẻ, thoáng đãng như bìa rừng hay ven suối, thác nước. Sau những ngày lao động vất vả, người Dao được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe điệu Sán Cố, bàn bạc về mùa vụ, thêu thùa và xuống chợ mua sắm; gặp nhau để mời nhau những chén rượu ân tình…

Ngày hội Kiêng gió là dịp để tiếp tục giữ gìn, phát huy và quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc xã Đồng Văn nói riêng và huyện Bình Liêu nói chung đến đông đảo bạn bè trong và ngoài huyện, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Đồng thời, Ngày hội cũng tạo không khí vui tươi, nâng cao tinh thần thi đua lao động, sản xuất trong các tầng lớp nhân dân để chào mừng và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong năm; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển văn hóa – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo Quốc phòng – An ninh trên địa bàn.

Đặc sắc Ngày hội Kiêng gió  - ảnh 3

Các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu góp phần thắt chặt tình đoàn kết, bảo tồn văn hoá, phát triển du lịch. Ảnh: Lê Cường

Hội Kiêng Gió diễn ra cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 18.12.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đầm Hà về bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của quê hương Đầm Hà; góp phần xây dựng, lan tỏa và tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Trong thời gian vừa qua, huyện Bình Liêu đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội truyền thống được tổ chức với phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi, đặc sắc cùng nhiều hoạt động đa dạng theo truyền thống của người dân bản địa đã thu hút đông đảo người dân và du khách.

Ngoài Ngày hội Kiêng gió, nơi vùng biên của Tổ quốc với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống còn có các lễ hội đặc sắc khác như Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng); Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ (diễn ra ngày 16.3 âm lịch); Hội Hoa sở Bình Liêu được tổ chức vào dịp cuối năm…

Những hoạt động lễ hội đầu xuân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện luôn diễn ra sôi nổi với các làn điệu hát Then của người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc mình để xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.