Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch (Bài 1):

Cầu nối giữa quá khứ và tương lai

N.ĐỒNG - K.CHI - N.HÒA - P.HIẾU

VHO - LTS. Dự án 6, với mục tiêu “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã nhận được sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành và chính quyền địa phương.

 Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân đã tạo nên bước đột phá trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch bền vững.

Trong đó, vai trò của các nghệ nhân là vô cùng quan trọng, không chỉ là người gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa các thế hệ trong cộng đồng.

Trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam, có những con người thầm lặng đã dành trọn cả cuộc đời mình để sưu tầm, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống.

Động lực dẫn họ đến với hành trình đầy tâm huyết ấy không gì khác ngoài tình yêu sâu đậm với tiếng trống, tiếng đàn, với nghề thủ công... gắn bó cùng cuộc sống trong cộng đồng.

Cầu nối giữa quá khứ và tương lai - ảnh 1
Nghệ nhân Đinh Chương am hiểu và biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na Kriêm

Say mê nhạc cụ truyền thống

Nghệ nhân Đinh B’Rum, người Hrê ở thôn Làng Mùng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), là niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Ông là người Hrê duy nhất trong huyện được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian chuyên về nhạc cụ truyền thống.

Suốt nhiều thập kỷ, ông miệt mài bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như đàn: Ca Râu, Pơ Roác, Ra Ngói, Ta Lía, Tá Vố, chiêng Ka La… Không chỉ biểu diễn điêu luyện, ông còn tự tay chế tác và truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc cụ cho thế hệ trẻ.

Dù đã gần 80 tuổi, nghệ nhân Đinh B’Rum vẫn minh mẫn và tràn đầy đam mê. Ông luôn hào hứng mang nhạc cụ ra biểu diễn mỗi khi có dịp gặp gỡ bạn bè, bà con. Nhờ sự đóng góp của ông, thôn Làng Mùng đã thành lập được đội văn nghệ dân gian.

Ông cũng tích cực phối hợp với chính quyền để truyền dạy dân ca, dân nhạc cho thế hệ trẻ, giữ vững hồn cốt văn hóa Hrê. “Tôi đam mê nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, nhờ ông và cha chỉ dạy nên tôi biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Khi đi chăn trâu, tôi luôn mang theo đàn để luyện tập”, ông kể lại đầy xúc động.

Tại vùng đất Vĩnh Sơn (Bình Định), nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương (Bok Vin), người Ba Na Kriêm là một tên tuổi trong lĩnh vực văn nghệ dân gian. Từng là đội trưởng Đội Văn nghệ Vĩnh Thạnh trong những năm kháng chiến, ông sáng tác và biểu diễn nhiều tiết mục bằng tiếng mẹ đẻ, đoạt Huy chương Vàng với tiết mục múa “Mừng lúa mới” năm 1977.

Không chỉ giỏi múa hát, kể hơmon, nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương còn là bậc thầy chế tác và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, Blơng khơng, Goong, Hơ đong, Đing Dút và các loại sáo đặc trưng.

Cầu nối giữa quá khứ và tương lai - ảnh 2
Nghệ nhân Y Yin được xem là báu vật sống ở làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu

Gìn giữ nghề thổ cẩm

Không chỉ âm nhạc, những tấm vải thổ cẩm cũng là nơi gửi gắm tâm hồn dân tộc. Nghệ nhân Bling Thị Treng ở làng Đhrồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) là người khởi xướng và vận động thành lập tổ dệt thổ cẩm làng Đhrồng, sau này phát triển thành Hợp tác xã.

“Từ nhỏ, các bé gái Cơ Tu đã được bà, mẹ truyền dạy nghề dệt. Trong mỗi ngôi nhà Cơ Tu, khung cửi dệt vải là vật dụng không thể thiếu, gắn bó suốt cuộc đời người phụ nữ. Giá trị của người phụ nữ Cơ Tu xưa kia còn được đo bằng độ tinh xảo của hoa văn thổ cẩm”, chị Treng chia sẻ.

Chị Treng không chỉ duy trì nghề mà còn truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trẻ trong làng. Họ tìm đến học nghề, mong muốn tự tay tạo ra những bộ trang phục truyền thống để diện vào các dịp lễ hội, góp phần làm sống dậy thổ cẩm trong đời sống hiện đại.

“Nghề dệt thổ cẩm vẫn có không gian sống, tồn tại và giữ gìn trong đời sống hiện đại. Nhiều bạn nữ trẻ đã thích thú với thổ cẩm, biết trân quý, tìm đến học nghề từ các mẹ, các chị để có thể tự tay dệt cho mình những bộ trang phục thổ cẩm để mặc vào những dịp lễ hội, sự kiện quan trọng”, chị Treng tâm sự.

Tại làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum (Kon Tum), nghệ nhân Y Yin người Ba Na được coi là “báu vật sống” của cộng đồng. Dù đã 74 tuổi, bà vẫn miệt mài bên khung cửi.

Từ những bài học đầu đời khi còn bé, bà đã sớm thạo nghề và không ngừng sáng tạo. Ngoài việc dệt quần, áo phục vụ đời sống, bà Y Yin còn sáng tạo nên những tấm thổ cẩm kể chuyện.

Mỗi tấm dài 4 mét được dệt công phu trong 3 tuần, truyền tải những truyền thuyết, chuyện cổ tích và lịch sử dân tộc qua từng họa tiết, hoa văn.

“Giờ đây tôi nhận đặt hàng dệt thổ cẩm kể chuyện, mỗi tấm có giá khoảng 1-2 triệu đồng. Không chỉ là thu nhập, đây là cách tôi tiếp tục truyền lửa cho văn hóa dân tộc mình”, bà chia sẻ.

Trước làn sóng hội nhập và hiện đại hóa, các yếu tố văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Trong bối cảnh đó, những nghệ nhân như Đinh B’Rum, Đinh Chương, Bling Thị Treng hay Y Yin chính là “sợi dây” kết nối giữa quá khứ và tương lai.

Họ lặng lẽ giữ gìn tinh hoa văn hóa dân gian, trao truyền niềm đam mê và tri thức cho thế hệ mai sau.

(Còn tiếp)