Cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

TÙNG QUANG; ảnh: XUÂN TRẦN, Q.H

VHO - Chiều 29.5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi - ảnh 1
Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 29.5

Tại phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Liên quan đến các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng, bên cạnh những thành quả đáng trân trọng, từ thực tiễn lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư của cử tri và nhân dân, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Về mục tiêu giảm nghèo, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho biết theo báo cáo, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và dân tộc thiểu số đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Theo đó, chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân…

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn.

Cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi - ảnh 2
Đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn

Cũng liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, cần rà soát lại một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, vấn đề tuyển dụng công chức vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiện nay rất khó khăn.

“Không riêng trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo mà cả trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông, tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng người đăng ký tham gia dự tuyển rất ít, thậm chí ở một số chỉ tiêu tuyển dụng không có ứng cử viên tham gia dự tuyển. Các đơn vị sự nghiệp được giao biên chế nhưng không thể tuyển được viên chức vào làm việc”, đại biểu nêu rõ.

Điều này dẫn đến thiếu người làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát lại một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có tính đến các yếu tố đặc thù trong việc tuyển dụng.

Không nhất thiết tất cả các lĩnh vực đều yêu cầu có trình độ đại học. Đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể cho tuyển dụng trình độ cao đẳng và có lộ trình đào tạo, nâng cao trình độ để đảm bảo tiêu chuẩn viên chức theo quy định.

Đồng thời đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét tiếp tục cho thực hiện cơ chế cử tuyển để đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển dụng viên chức hiện nay.