Bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Bà con ngày càng chủ động gìn giữ di sản

PHẠM NGÂN

VHO - Bảo tồn bản sắc truyền thống kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng đang trở thành hướng đi hiệu quả cho các huyện miền Tây Nghệ An. Nhằm nâng cao năng lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số, Sở VHTT Nghệ An vừa tổ chức khóa tập huấn chuyên đề “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và truyền dạy văn hóa phi vật thể” năm 2004, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương giữ gìn và truyền bá di sản độc đáo của mình, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Bà con ngày càng chủ động gìn giữ di sản - ảnh 1
Toàn cảnh lớp tập huấn

 Theo đó, cuối tháng 10 vừa qua, Sở VHTT Nghệ An cùng các cán bộ, chuyên viên Sở Văn hóa, lãnh đạo, cán bộ ngành Văn hóa 2 huyện Quỳ Hợp và Quế Phong, các cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng bản, nghệ nhân và một số học viên đã tham gia lớp tập huấn để tiếp nhận truyền dạy văn hóa phi vật thể. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bà Quách Thị Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết: Nội dung trọng tâm khóa tập huấn lần này là chuyên đề “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số Nghệ An trong bối cảnh công nghệ số”, tập trung vào việc phân định di sản văn hóa phi vật thể và mối quan hệ giữa di sản văn hóa phi vật thể với văn hóa vật thể. Đặc biệt, thuyết trình viên tập trung vào các nội dung cơ bản để hỗ trợ bà con làm quen với các cách thức vận dụng công nghệ số vào bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch.

Trong thời gian tập huấn, học viên được tiếp nhận một số chuyên đề trọng tâm như: Kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; Phương pháp bảo tồn, phát huy, giới thiệu văn hóa phi vật thể tại khu, điểm du lịch; Vai trò của văn hóa phi vật thể trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; Giới thiệu nguồn gốc người Thái và bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú trên địa bàn huyện; Trò chơi, trò diễn dân gian; Lễ hội truyền thống và cách thức bảo tồn, lưu giữ; Truyền dạy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số, các hoa văn, biểu tượng, biểu nghĩa của tạo hình hoa văn và màu sắc; Thực hành, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt, thêu hoa văn, may mặc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; Kỹ năng trình diễn các loại hình văn hóa dân gian; Kỹ năng bảo tồn, hình thành sản phẩm du lịch từ loại hình văn hóa phi vật thể…

Bà con ngày càng chủ động gìn giữ di sản - ảnh 2
Các học viên huyện Quế Phong, huyện Quỳ Hợp tham gia lớp tập huấn

Tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn, Nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Minh Hào chia sẻ: Bà con vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã và đang chủ động vận dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế cũng như bảo tồn di sản văn hóa trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều hạn chế từ khách quan đến chủ quan. Khách quan là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các địa phương. Về chủ quan, người dân còn thiếu những kỹ năng cơ bản, nhất là kỹ năng làm việc nhóm cũng như việc thiết lập và quản trị các mạng xã hội một cách tích cực và hiệu quả. Để khắc phục các hạn chế thì cần phải có sự hỗ trợ đến từ nhiều phía khác nhau…

Cũng tại buổi tập huấn, các thuyết trình viên đưa ra những ví dụ cụ thể và sinh động từ nhiều địa phương khác nhau để phân tích các thành tựu và hạn chế, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để chia sẻ việc vận dụng công nghệ số vào bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số Nghệ An. Qua đó, thuyết trình viên cũng đưa ra những gợi mở để bà con xác nhận giá trị di sản phi vật thể có thể đưa vào phát triển du lịch, tổ chức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên nền tảng công nghệ số. Qua thảo luận với người dân, thuyết trình viên cũng tổng hợp lại các vấn đề cần phải được hỗ trợ, giải quyết để mở đường cho việc đẩy mạnh bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch phải gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội… Việc triển khai thực hiện Đề án 6 đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch tiếp tục phát triển ổn định, tác động tích cực tới kinh tế - văn hóa, xã hội của địa phương”.