Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa

VHO - Ngày 30.12, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1745/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, mở ra nhiều thuận lợi cho việc tận dụng thế mạnh và đưa Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa - Anh 1

Thừa Thiên Huế định hướng phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, là trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm, công nghiệp xây dựng 10 11%/năm, dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 10%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%...

Tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt 1,38%/năm, đến năm 2030 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1,3 triệu người. Diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 33 m2 sàn/người; tuổi thọ trung bình của người dân trên 75 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ thất nghiệp dưới 2,1%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...

Quy hoạch cũng chỉ rõ các khâu đột phá phát triển cho Thừa Thiên Huế, gồm: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh…

Đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa - Anh 2

Festival Huế là sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc trưng thu hút du khách

Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thành phố Huế hiện nay sẽ tách thành 2 quận (quận Bắc sông Hương và quận Nam sông Hương); thành lập thị xã Phong Điền; sáp nhập huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông. Đến năm 2030, nâng cấp thị xã Hương Thủy lên quận Hương Thủy; phấn đấu xây dựng đô thị Chân Mây thành đô thị loại III.

Về cảng hàng không, đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ xây dựng thêm các đường lăn, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay đáp ứng công suất khai thác 7 triệu hành khách/năm, 200.000 tấn hàng hóa/năm. Nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; hình thành cảng cạn ICD kết nối với cảng hàng không, cảng biển. Đến năm 2050, xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 2 (kích thước 3.800m x 45m), hạ tầng đồng bộ đạt công suất 12 triệu hành khách/năm; đồng thời, phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Đầm phá Tam Giang Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Hệ thống cảng biển sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp với hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn; tàu container sức chở đến 4.000 TEU; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn… Xây dựng và nâng cấp khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn; khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn, xây dựng đê chắn sóng và các khu neo đậu chuyền tải, tránh, trú bão.

Xây dựng trung tâm Logistic Chân Mây là đầu mối khu trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc với quy mô 120ha, và tại cảng Chân Mây, xã Lộc Vĩnh với quy mô 54 ha…

Cũng theo quy hoạch, phương án phát triển văn hóa-thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 sẽ có triển khai nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao đồng bộ. Trong đó, có 17 thiết chế văn hóa công lập tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố sẽ được đầu tư, như: Trung tâm Văn hóa- hội nghị tỉnh; Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế; Bảo tàng Lịch sử tỉnh; Bảo tàng Mỹ thuật Huế; Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế; Thư viện Tổng hợp tỉnh; Cơ sở tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế; Không gian sáng tạo công nghiệp văn hóa Cung An Định; Bảo tàng Áo dài, ẩm thực; Quảng trường văn hóa thể thao Bà Triệu; Trung tâm trình diễn Ca Huế thính phòng; Công viên văn hóa đa năng Hồ Thủy Tiên; vườn tượng quốc tế sông Hương… Cùng với đó là hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao ngoài công lập và các thiết chế được triển khai ở các huyện, thị xã.

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa - Anh 3

Quy hoạch đã nêu phương hướng tập trung phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa. Trong ảnh: chương trình nghệ thuật ở phố đi bộ Hai Bà Trưng, TP. Huế thu hút du khách

Thừa Thiên Huế cũng xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh di sản thế giới đối với nghệ thuật Ca Huế và Di sản tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: nghề may đo và sử dụng áo dài truyền thống Huế; ẩm thực bún bò Huế; nghề làm nón lá Huế; lễ hội truyền thống điện Huệ Nam; nghề làm gốm Phước Tích. Có thêm 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 10 di tích quốc gia 10 và 20 di tích cấp tỉnh…

Quy hoạch cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Thừa Thiên Huế, tập trung là các ngành lịch vụ. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với việc phát triển loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; hội nghị hội thảo; trong đó du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Đồng thời chú trọng phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững.

Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số như: Du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ văn hóa, triển lãm và hội nghị quốc tế,... Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài. Phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cảng biển nước sâu Chân Mây trở thành trung tâm logistics Xanh của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Phát triển dịch vụ đào tạo chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế và ASEAN…

Đặc biệt, phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa, bao gồm các hoạt động nhằm bảo tồn, quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm và tạo nguồn thu từ di sản văn hóa. Trong đó, bao gồm các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, trưng bày các hiện vật và địa danh lịch sử; các lễ hội, festival, sự kiện văn hóa và biểu diễn nghệ thuật; ngành công nghiệp hỗ trợ các nghệ nhân và thủ công truyền thống; các ngành công nghiệp sáng tạo như thiết kế, kiến trúc, thời trang, phim ảnh, văn học và truyền thông kỹ thuật số. Khuyến khích giáo dục văn hóa, nghiên cứu và tinh thần khởi nghiệp. Chuyển hóa không gian di sản trở thành nguồn lực, động lực tăng trưởng mới: Xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển…

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc