Đà Nẵng phấn đấu trồng 1 tỷ cây xanh cải thiện cảnh quan môi trường
VHO - Nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.
Phấn đấu trồng 5.017.000 cây xanh đến năm 2025
Thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”, các phong trào phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức đều đặn thường niên đã được người dân, các đơn vị trên địa bàn thành phố hưởng ứng tích cực, sôi nổi.
Từ năm 2021- 2023 toàn TP đã trồng được 1.024.311 cây xanh, đạt 35,52 % so với kế hoạch 3 năm.
Một số địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao như: UBND huyện Hòa Vang đã trồng được 214.158 cây, UBND quận Cẩm Lệ đã trồng được 8.606 cây, UBND quận Sơn Trà đã trồng được 5.728 cây.
Nhiều địa phương có cách làm hay huy động nguồn vốn thực hiện trồng cây xanh, điển hình như: UBND quận Hải Châu, UBND quận Liên Chiểu.
Từ những phong trào tết trồng cây đã có nhiều mảng xanh đô thị, khu dân cư được hình thành tạo cảnh quan sạch đẹp.
Trong đợt ra quân Tết trồng cây năm 2024, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ phát động ra quân và cấp phát hơn 176.135 cây xanh các loại.
UBND TP cũng ra công văn số 755/UBND-SNN ngày 22 tháng 02 năm 2023 nhằm tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh do các cơ quan, đơn vị tổ chức trồng trên địa bàn thành phố.
Công tác tuyên truyền, cổ động đóng vai trò lớn trong việc thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng cây xanh. Từ đó đã lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với phát triển cây xanh đô thị, khu dân cư.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả đề án, các Sở ngành và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng giai đoạn 2024 -2025 với tổng số 2.133.400 cây xanh.
Bảo vệ tài nguyên rừng, phòng chống cháy nổ
Song song đó, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng , ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được thực hiện hiệu quả.
Thời gian qua không xảy ra điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy rừng được tổ chức bài bàn, hoạt động trên phương châm chủ động, nhanh chóng và hiệu quả.
UBND các xã, phường đã thành lập 19 tổ xung kích; 60 tổ quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, khu dân cư gần rừng ven rừng với 834 người tham gia.
Anh Trần Quốc Tuấn, môt trong những thành viên lực lượng phản ứng nhanh và dịch vụ môi trường rừng quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng cho biết): “Nhiều lúc chúng tôi đi tuần thấy du khách ăn và đốt than ở bìa rừng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Khi gặp trường hợp đó chúng tôi phải nhắc nhở và kiên quyết không cho du khách tiếp tục nấu nướng. Báo về lực lượng kiểm lâm và tiến hành các biện pháp phòng, chữa cháy”.
Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng thành lập đội phản ứng nhanh trong chữa cháy rừng. Hướng dẫn 26 đơn vị đóng quân trên địa bàn và 991 hộ gia đình, chủ rừng, ký cam kết chấp hành nội quy bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các đơn vị chủ rừng đã thành lập thành lập 15 Tổ, Đội PCCCR tại chỗ với 454 người thuộc 8 đơn vị, các thành viên đều được tập huấn nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận về PCCC theo quy định.
Công tác bảo vệ động vật hoang dã được các đơn vị chức năng tổ chức phối hợp, thực hiện quyết liệt và mang lại hiệu quả cao. Các đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.883 đợt tuần tra bảo vệ rừng, kiểm tra ngăn chặn hoạt động vận chuyển, kinh doanh, mua bán lâm sản.
Tuyên truyền giáo dục cho hơn 2.500 người dân sống ven rừng về bảo vệ động vật hoang dã bằng nhiều hình thức, như ký cam kết, đăng ký gây nuôi sinh sản, tổ chức cứu hộ tái thả lại tự nhiên...
Qua đó đã kịp thời nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn thành phố trong việc bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sinh học. Góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự rừng và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.