Giữ màu xanh cho môi trường sống
VHO - Giữ gìn môi trường sạch đẹp, bắt đầu từ các địa phương, khu dân cư, xây dựng môi trường không rác thải là điều TP Đà Nẵng đang tập trung triển khai để kiến tạo một môi trường sống xanh - sạch - an toàn.
Các bạn trẻ Đà Nẵng cải tạo bãi đất trống thành vườn cây, hoa màu
Chung tay xây dựng đời sống xanh, thời gian qua những dự án, hoạt động bảo vệ môi trường biển, trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống do giới trẻ Đà Nẵng thực hiện đã lan tỏa và tạo ra nhiều thông điệp tích cực. Năm 2023, dự án GUD (Đại học xanh) do sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thực hiện, hướng tới mục tiêu thay đổi tư duy, phát triển lối sống xanh bền vững bắt đầu từ các trường học đã tỏa đi rộng khắp với thông điệp “Mỗi ngày một hành động xanh”. Qua đó, đã có rất nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức, điển hình như chương trình “Bình nước cá nhân”; “Phân loại rác”; đổi giấy và pin để lấy cây, làm chậu cây, trồng cây và rất nhiều hoạt động thiết thực khác được sinh viên Đà Nẵng thực hiện nhằm bảo vệ môi trường sống. Hoạt động đã thu hút đông đảo giới trẻ tham gia, góp phần nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Vườn hoa được cải tạo từ bãi đất trống tại đường Morison (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã giúp người dân thay đổi hành vi về phân loại rác và sử dụng rác có ích. Khu vườn đặc biệt này thuộc dự án Zero Waste Community - Cộng đồng không rác thải do Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) phối hợp với các đơn vị, tình nguyện viên trên địa bàn TP triển khai. Khu đất chia làm ba khu vực trồng cây dược liệu, hoa và khu trồng các loại rau màu. Hằng ngày, các thành viên đi gom rác từ nhà dân về ủ thành phân bón cho cây. Thông qua khu vườn cộng đồng, dự án đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác từ nguồn của các hộ gia đình, tận dụng rác thải để trồng cây hay làm những việc hữu ích khác.
Hưởng ứng chương trình “Trường học xanh” của Sở GD&ĐT TP, tại Trường THCS Nguyễn Huệ, Ban Giám hiệu đã xây dựng chương trình Thực hành xanh cho học sinh, bao gồm các hoạt động theo dõi, chăm sóc và bảo vệ cây cối; tổ chức dọn dẹp, chăm sóc không gian xanh trong trường, ở gia đình; sáng tạo thêm các góc cây cảnh; sáng kiến về bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ngoài trường học. Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, thầy cô giáo đã dạy các em phân loại rác ngay từ đầu, kết hợp với ý thức của học sinh nên phân loại rác rất tiết kiệm thời gian, tránh việc dồn ứ mất vệ sinh, đồng thời đảm bảo cảnh quan của trường luôn xanh, sạch, đẹp.
Tại các khu dân cư, tổ dân phố, người dân nỗ lực góp sức chung tay cùng chính quyền quyết tâm xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Các mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của người dân về việc bảo vệ môi trường. Như Hội Liên hiệp Phụ nữ TP với “Mái nhà xanh”, “Đoạn đường tự quản - Ngõ phố nở hoa”; Hội Cựu chiến binh với “Đoạn đường an toàn, văn minh, xanh - sạch - đẹp”; Sở GD&ĐT TP với mô hình “Trường học xanh”... Phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp được các hội, đoàn thể, khu dân cư duy trì thường xuyên và tích cực. Tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong nhiều năm qua, các thành viên của CLB “Môi trường nhí” đến từng nhà thu gom, phân loại rác tái chế vào cuối tuần. Số tiền bán rác được sử dụng vào các hoạt động an sinh ý nghĩa như tặng quà cho người có công, người khuyết tật, đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hoạt động vui chơi, khen thưởng học sinh giỏi…
Nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR) thực hiện các dự án: “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh; “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Qua triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả lớn, thay đổi thói quen của ngư dân, tiểu thương trong việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại các khu dân cư huyện Hòa Vang và quận Thanh Khê, cải tạo các bãi đất trống thành các vườn cây sử dụng được rác tái chế... Những hoạt động bảo vệ môi trường là tiền đề góp phần tạo nên không gian xanh, sạch, đẹp, văn minh để thu hút, phục vụ du lịch.
MINH CHÂU