Bao giờ ô nhiễm ở những dòng sông mới được ngăn chặn?
VHO - Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã “chốt” chương trình giám sát tối cao về bảo vệ môi trường, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Ô nhiễm môi trường xảy ra tại nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt vẫn là ô nhiễm tại không ít dòng sông, kênh rạch.
Tuần đầu tháng 6 vừa qua, sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài gần 105 km chảy qua bốn huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và hai thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng bỗng dưng trở nên... nguy hiểm. Người nuôi trắng tay vì cá chết, trong đó xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sông ô nhiễm, cá chết, người dân thiệt hại
Một người dân ấp Phước Hội (xã Phước Chỉ) cho biết, gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng để thả cá lăng Hồng Vỹ và 2.000 con cá lóc. Gần đến ngày bán thì bỗng dưng dòng sông chuyển sang màu đen, kèm mùi hôi, chảy vào khu nuôi cá khiến trên 90% cá chết. Ước tính tổng thiệt hại con giống, thức ăn trên 450 triệu đồng.
Theo phòng Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Tây Ninh), việc nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm là do những cơn mưa đầu mùa cuốn trôi chất gây ô nhiễm từ cống rãnh ở các khu dân cư thuộc TP Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Gò Dầu, huyện Châu Thành, đổ ra sông. Cùng đó là việc dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu do sản xuất nông nghiệp tác động trực tiếp đến một số loài động thực vật, thủy sinh, trong đó có cá. Tuy nhiên, người dân trong vùng cho rằng, việc xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp làm ô nhiễm sông mới chính là thủ phạm.
Không chỉ nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua tỉnh Tây Ninh biến đổi, khiến cá nuôi chết, nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cuối tháng 4, thông tin từ UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, nhiều lồng bè nuôi cá trên sông Mã cá chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng. Thị trấn Cành Nàng thiệt hại nặng nhất với hơn 60 lồng nuôi cá của người dân bị chết. Cùng thời điểm, trên sông Ô Giang (đoạn thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cũng xảy ra việc cá chết tấp vào bờ, trong đó nhiều con đã phân hủy khiến nước sông bốc mùi rất khó chịu. Cũng tại Quảng Trị, cá chết hàng loạt ở khe Rào Trường (thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh). Sở TN&MT tỉnh này cùng chính quyền địa phương đã phải làm việc với một chủ trang trại nuôi lợn xả thải ra môi trường ở thượng nguồn khe Rào Trường. Đồng thời phải rải năm tấn vôi bột dọc khe Rào Trường dài 1,5 km; đắp lại bờ hồ chứa, ngăn không cho nước trong hồ chứa nước thải chảy ra môi trường và chưa cho phép chủ trang trại tái đàn...
Với những dòng sông ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt, trước sự phản ánh của người dân cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương vào cuộc. Nhưng lý do đưa ra để giải thích nguyên nhân ít được người dân thừa nhận. Chính vì thế hiện tượng cá chết vẫn xảy ra.
Những dòng sông và con kênh nước đen
Tại Hà Nội, ám ảnh ô nhiễm môi trường vẫn còn đó khi những dòng sông “chết” chưa được hồi sinh. Nhiều ý tưởng, đề xuất, công nghệ, biện pháp đã được áp dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả. Thậm chí, một số dòng sông còn ô nhiễm trầm trọng hơn. Trong đó có thể kể đến sông Kim Ngưu, dài khoảng 10 km chảy trong khu vực nội thành. Lâu nay Kim Ngưu đã là dòng sông “chết”, quanh năm đen đặc. Là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội, nhưng dọc theo chiều dài dòng chảy có vô số các cửa cống xả nước thải trực tiếp xuống lòng sông mà không qua xử lý. Sông Tô Lịch dài khoảng 13,5 km chảy qua các quận nội thành của Hà Nội (Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì). Theo cơ quan chức năng, mỗi ngày có tới hơn 150.000m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý thông qua hơn 300 cống xả thải, xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Sông Lừ dài khoảng 10 km, chảy qua các phường Nam Đồng, Quang Trung, Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai (quận Đống Đa), Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân), Định Công, Đại Kim (quận Hoàng Mai). Mỗi ngày có 55.000m3 nước thải chưa xử lý xả ra dòng sông này. Với những người dân sống gần sông Lừ, chưa bao giờ hết ám ảnh trước con sông sánh đen, bốc mùi hôi thối quanh năm.
Sông Sét dài hơn 3,6 km vốn là “cống lộ thiên” quan trọng nhằm thoát nước của quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai. Nhưng từ lâu, khu vực đoạn đối diện với hồ Yên Sở luôn bị dồn ứ rác thải sinh hoạt. Những ngày nắng nóng như hiện nay, người dân trong khu vực phải sống khổ sống sở. Việc giải cứu “những dòng sông chết” ở Hà Nội đã được bàn quá nhiều lần, trong các hội thảo lẫn tại HĐND, thậm chí cả ở diễn đàn Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã được tiến hành với hàng nghìn tỉ đồng đầu tư, nhưng rồi người dân vẫn phải “sống mòn” bên những dòng sông ô nhiễm. Còn tại TP.HCM, rạch Văn Thánh (thuộc hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài khoảng 1,5 km qua quận Bình Thạnh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố phải dự kiến đầu tư gần 6.200 tỉ đồng (từ nay đến năm 2028) để nạo vét, cải tạo và xây dựng đường giao thông hai bên rạch; đồng thời di dời 1.063 căn nhà trong khu vực này. Suốt thời gian qua, con rạch ngập rác thải, rất hôi thối.
Tại huyện Bình Chánh, kênh rạch cũng bị ô nhiễm nặng. Thông tin từ Sở NN&PTNT TP.HCM, huyện Bình Chánh có 55 tuyến sông, kênh rạch. Tuy nhiên, 2/3 trong số đó bị ô nhiễm, với chỉ số vượt tiêu chuẩn từ vài lần đến hàng chục ngàn lần. Còn theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, kết quả quan trắc chất lượng nước ở nhiều tuyến kênh rạch ở huyện Bình Chánh gần đây cho thấy nguồn nước này đã bị ô nhiễm rất nặng, không thể phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Còn rạch Cầu Suối gần như đã chết.
Thử truy nguyên nhân
Việc nhiều dòng sông, kênh rạch nội thành bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của rất nhiều người. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước được cho là từ nước thải sinh hoạt. Mật độ dân số Hà Nội, TP.HCM rất cao, lượng nước thải sinh hoạt khổng lồ trong khi hệ thống thu gom và xử lý nước thải chưa hoàn thiện, khiến một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, ở cả hai đô thị đông dân nhất cả nước là dọc theo các dòng sông đã tồn tại từ lâu nhiều nhà máy, xí nghiệp; trong khi việc giám sát xả thải lại không tốt. Nhiều nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, hoặc thậm chí xả thải trái phép. Việc sử dụng hóa chất độc hại và kim loại nặng trong quá trình sản xuất cũng gây ra ô nhiễm nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo giới chuyên gia môi trường, nước thải y tế cũng rất đáng lo ngại. Cụ thể, ở TP.HCM có hơn 700 cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế… Mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra khoảng 17.000 - 20.000m3 nước thải y tế chứa nhiều loại vi sinh vật, hóa chất độc hại, kim loại nặng… Nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Hằng ngày, TP.HCM còn phải đối mặt với hơn 8.000 tấn rác thải sinh hoạt; con số đó với Hà Nội là 7.000 tấn. Quá trình phân hủy rác thải trong môi trường tạo ra các khí độc hại và nước rỉ rác thấm xuống lòng đất, gây ra ô nhiễm cho nguồn nước ngầm.
Những điều đó cho thấy việc ô nhiễm ở nhiều dòng sông, kênh rạch, cả nguồn nước nổi lẫn nước ngầm đã ở mức báo động. Vì thế, dư luận chờ đợi và hy vọng vào chương trình giám sát tối cao về bảo vệ môi trường sắp tới của Quốc hội.