Bài báo “Dân vận” của X.Y.Z
VHO - Cách đây tròn 75 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo nhan đề “Dân vận” đăng trên báo Sự Thật số 120, phát hành ngày 15.10.1949, nhắc các địa phương, cán bộ về vị trí, vai trò của dân vận.
Bởi vì: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
Dù bài báo đã viết cách đây hai phần ba thế kỷ, nhưng vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Bài báo chính là “cẩm nang” hành động của bất kỳ tổ chức nào, bất kỳ ai tham gia làm công tác dân vận trong mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi.
Năm 1949, nhân dân ta bước sang năm thứ ba hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Ở thời điểm này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang dồn sức chuẩn bị mở nhiều chiến dịch lớn tấn công địch. Trung ương và Hồ Chủ tịch xác định, việc trang bị về tư tưởng, tinh thần, vật chất cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước lúc này là hết sức cần thiết, và rất quan trọng.
Đó chính là lý do vì sao bài báo Dân vận ra đời trong hoàn cảnh này. Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.
Năm mươi năm sau, vào cuối thế kỷ XX, một bài báo khác đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 30.9.1999 với nhan đề “Nhớ ngày 15 tháng Mười” của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm bài báo “Dân vận” (15.10.1949 - 15.10.1999).
Trong bài báo này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, viết: “Tôi ngồi học lại bài Dân vận của Bác Hồ và nghĩ rằng: Những điều Bác căn dặn rất dễ hiểu, dễ nhớ, sâu sắc và đầy đủ”.
Với bài báo vỏn vẹn 612 chữ, mở đầu phần nội dung bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay vấn đề “lợi ích” và “quyền hạn” của dân. Đó chính là mục đích, mục tiêu và phương châm hành động trong công tác dân vận, vừa mang tính lý luận, tính nguyên tắc, lấy người dân làm chủ thể.
Người khẳng định: “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Tác giả đặt ra câu hỏi và trả lời để làm sáng tỏ khái niệm “dân vận là gì?”, đồng thời, giải thích ý nghĩa rộng hơn của hai chữ “dân vận”.
Vậy “Dân vận” là gì? Theo khái niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh dân vận là vận động tất cả lực lượng, “không để sót một người dân nào”.
Về lựa chọn cán bộ dân vận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ làm công tác dân vận không chỉ là người nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng để tuyên truyền mà còn phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Điều đó có nghĩa rằng, cán bộ dân vận không phải là người “ngồi bàn giấy” mà phải là người tận tường mọi ngóc ngách, làm việc gì cũng phải sâu sát cơ sở, đến tận nơi ở, sinh sống của dân, luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu trăn trở của nhân dân. Đồng thời, giải thích với dân rõ ràng những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Người làm công tác dân vận còn phải là tấm gương sáng, xông pha đi đầu mọi phong trào hành động cách mạng, khi cần thiết cũng phải “xắn tay áo” cùng làm, cùng chia sẻ với nhân dân, đó là cách thuyết phục tốt nhất trong công tác “dân vận”.
Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã từng nêu tấm gương sáng chói này. Rất nhiều lần đến thăm hỏi nhân dân, Người đều xông vào cùng nhân dân cày ruộng, tát nước, gặt lúa, tạo sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ với dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân.
Về hình thức, phương pháp dân vận, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố rất quan trọng, nhưng cũng không nên quá hình thức, rập khuôn, phải linh hoạt dân vận sao cho phù hợp.
Người viết: “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Có nghĩa là ngoài việc tuyên truyền qua tài liệu, sách vở, báo chí thì phương pháp truyền miệng, thuyết phục, giải thích chủ trương, chính sách đóng vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng.
Cán bộ có tài, học cao, hiểu rộng, làm việc giỏi cũng chưa chắc làm tốt dân vận nếu không có kỹ năng thuyết phục quần chúng. Người khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Ở đây, chúng ta thấy rằng, vị trí, vai trò của cán bộ dân vận là rất quan trọng, không phải cán bộ giỏi thì làm tốt công tác dân vận mà cần phải “khéo” mới đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn phê bình nhiều cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở nhiều địa phương ít quan tâm, thậm chí “coi nhẹ” dân vận.
Người chỉ rõ “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.
50 năm sau, khi “học lại” lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài báo “Nhớ ngày 15 Tháng Mười” đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 30.9.1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, viết: “Tôi nghĩ rằng, các cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành, trong các cơ quan nhà nước, cơ quan công tác Đảng, cơ quan lập pháp, tư pháp, toà án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, quân đội, công an, ngân hàng, y tế, giáo dục, các vị thay mặt cho nhân dân… nên dành thì giờ ngồi ôn lại lời Bác dạy về dân và công tác dân vận, dũng cảm và trung thực soát xét lại mình, công việc của cơ quan, đơn vị mình; dành thì giờ gặp dân, gặp người lao động, gặp cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị; gặp các cụ lão thành, các cựu chiến binh, những người có việc khiếu nại, gặp cử tri; gặp những người đang muốn trình bày ý kiến, nguyện vọng lắng nghe họ với tâm huyết của những người con trung hiếu, yêu nước thương dân, chắc chắn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích”…“chỉ với tấm lòng vì dân, vì nước, yêu thương giai cấp cần lao thì mới hiểu thấu đời sống, vui buồn đau khổ, ước ao nguyện vọng, ý kiến và những vấn đề bức thiết đang đặt ra hàng ngày của nhân dân”.