Xúc động “Bản hùng ca bất diệt” nơi đất lửa Quảng Trị
VHO - Giữa không gian di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt” là lời tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Những người lính ấy đã viết nên bản hùng ca còn vang mãi đến hôm nay và tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trong hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Chương trình “Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt” do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tối 11.8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và Bến thả hoa đăng sông Thạch Hãn là một trong những chương trình chính của Lễ hội Vì hòa bình năm 2024.
Đây cũng là sự kiện nhân kỷ niệm 70 năm Ngày ký ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (1954- 2024) và nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa năm 2024.
Tham dự Chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Tạ Quang Đông; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các cựu chiến binh, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Tự hào quá khứ, hướng tới tương lai!
Chương trình tái hiện những câu chuyện lịch sử hào hùng, xúc động với ý nghĩa tri ân những anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh quên mình vì vẹn toàn núi sông và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, khẳng định những thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương trong sự phát triển chung của đất nước với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai.
Mở đầu chương trình là Lễ dâng hương tưởng niệm, không khí tĩnh lặng và trang nghiêm, tiếng chuông trên Tháp chuông Thành cổ Quảng Trị vọng lên. Dàn kèn đồng đứng từ lối cổng Thành cổ, dọc lối đi có hai hàng hoa sen trắng tỏa sáng và những hàng nến tri ân. Trên Đài tưởng niệm - “biểu tượng” của nấm mồ chung, cây đèn màu đỏ cao 8,1m (tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị), các đại biểu dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Đội tiêu binh rước lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho linh hồn các liệt sĩ tiến về sân khấu chính. Lá cờ đỏ thắm, chiếc ba lô bạc màu, một chiếc mũ cối nhuộm màu sương gió đi giữa hàng quân, các anh đang trở về với đồng đội, với quê hương…
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân ta về đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, đấu tranh ngoại giao để thống nhất đất nước.
Một trong những đỉnh cao chói lọi ngoại giao cách mạng thế kỉ XX là Việt Nam đã kiên trì đấu tranh để Pháp và các nước tham gia ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Với nghệ thuật quân sự tài tình kết hợp khéo léo giữa đánh và đàm, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Với lòng thành kính biết ơn vô hạn, chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” mong muốn truyền tải thông điệp mà lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công cách mạng.
“Chương trình được xây dựng mang đậm tính chất chính luận, tính nghệ thuật và nhân văn sâu sắc, hướng tới sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khắc họa hình ảnh thế hệ thanh niên phơi phới tuổi xuân, sẵn sàng xếp bút nghiên để ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh, các chị đã hòa vào lòng đất mẹ, trong dòng Thạch Hãn linh thiêng để dệt nên một khúc tráng ca của dòng sông hoa lửa.
Để “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu” mà nhà thơ Tế Hanh đã từng viết, nhắc nhở chúng ta phải trân trọng những giá trị thiêng liêng của hòa bình, hãy cùng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, chung sức đồng lòng giữ vững và kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội mà Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, các bậc tiền bối cách mạng và nhân dân chúng ta đã lựa chọn”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh: "Đảng, nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta nguyện sống xứng đáng với những chiến công vĩ đại và sự hi sinh to lớn của đồng chí, đồng bào, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng nước Việt Nam thân yêu đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, phấn đấu đóng góp xứng đáng cho hòa bình của đất nước ta và trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong muốn”.
Khúc tráng ca bên “dòng sông hoa lửa”
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt” là một trong những sự kiện chính của Lễ hội Vì hòa bình năm 2024. Sân khấu chính của chương trình nghệ thuật được xây dựng ở phía trước Đài tưởng niệm; phía trước sân khấu mô phỏng hình tượng “Dòng sông hoa lửa” - dòng sông ấy chất chứa những ước mơ, khát khao của tuổi trẻ, nơi yên nghỉ của biết bao người con ưu tú của dân tộc, nơi biết bao máu xương đã nằm lại.
Cùng với đó, sân khấu phụ từ bến thả hoa đăng bên dòng sông Thạch Hãn cũng kết nối tạo nên một tổng thể không gian nghệ thuật hào hùng, linh thiêng, xúc động trên mảnh “đất lửa” Quảng Trị anh hùng.
Nội dung chương trình nghệ thuật với 3 chương: Mãi mãi tuổi hai mươi; Viết nên huyền thoại; Vang mãi khúc quân hành, được dàn dựng công phu với các loại hình trình diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp đa dạng giữa âm thanh, múa nghệ thuật, thơ ca… cùng thủ pháp sân khấu hiện đại. Đặc biệt, xen kẽ chương trình nghệ thuật là những thước phim phóng sự: Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu; Những lá thư thời chiến đã lay động, chạm đến cảm xúc của hàng nghìn khán giả có mặt và hàng vạn khán giả theo dõi qua truyền hình.
Những thước phim ấy như đưa người xem trở lại năm tháng của các thế hệ sinh viên mười tám, đôi mươi “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, mà chiến trường chính là vùng “túi bom” ác liệt ở Quảng Trị.
Mỗi năm, cứ dịp lễ tốt nghiệp, trong khuôn viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hàng trăm bó hoa được các tân cử nhân, kỹ sư đặt tại tượng đài “Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ Quốc”; hay ở khuôn viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng có Đài kỷ niệm sự kiện các thế hệ cán bộ, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tham gia quân ngũ bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 10.000 sinh viên thủ đô nhập ngũ những năm đó; trong đó, có biết bao tinh anh, tài hoa đã hi sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Hình ảnh các thế hệ sinh viên, thanh niên háo hức lên đường nhập ngũ, hành quân vào chiến trường ác liệt Quảng Trị đã được tái hiện chân thực qua hoạt cảnh Tổ quốc gọi - Huyền thoại vùng đất lửa.
Những người lính trẻ vượt sông, ba-lô buộc chặt làm phao, giữa đạn bắn đầy trời của quân địch vẫn bơi về phía thành cổ…
Hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống giữa nơi Thành cổ Quảng Trị. Ca khúc Cỏ non Thành cổ - Lời ru cỏ non do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn đã lay động hàng nghìn khán giả có mặt tại chương trình.
Tiếp đó, tác phẩm Mùa xuân - Miền xa thẳm do nghệ sĩ Phạm Khánh Ngọc và dàn hợp xướng, giao hưởng biểu diễn từ không gian sân khấu bến thả hoa đăng sông Thạch Hãn. Hai điểm cầu sân khấu kết nối bằng dòng chảy của quá khứ - hiện tại - tương lai.
Tiết mục Tháng Bảy lại về được ca sĩ Thanh Thanh Hiền thể hiện đã kể về câu chuyện của những người mẹ nơi hậu phương với bao tâm tình, gửi gắm đến các chiến sĩ.
Đó không chỉ là những người mẹ tiễn các con lên đường ra trận, mà có cả những người mẹ đã chăm lo từng ngụm nước, chăm sóc cho các chiến sĩ khi ốm đau trên đường hành quân…
Hay Những bước chân thầm lặng (do nhóm Oplus biểu diễn); Tổ quốc ở Trường Sa (ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ biểu diễn) đã phác họa hình ảnh và sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ Công an nhân dân, của những người lính canh giữa biển trời quê hương.
Tiết mục giao hưởng Dòng sông linh thiêng qua màn trình diễn của nghệ sĩ Đăng Dương đưa khán giả trở lại sân khấu ven bờ sông Thạch Hãn. Những đóa hoa đăng được thả xuôi theo “dòng sông hoa lửa” tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ ở mọi miền Tổ quốc đã nằm lại nơi này.
Những ca khúc Người là niềm tin tất thắng, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Có một mái đầu tóc bạc, Việt Nam, Lá cờ Đảng… đã được các ca sĩ Trọng Tấn, NSND Quang Thọ, Viết Danh, Dương Hoàng Yến và nhóm các nghệ sĩ biểu diễn, ngân vang lên hào hùng, tự hào.
Điểm kết của chương trình nghệ thuật “Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt” cũng khẳng định rằng: Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung đang vươn mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành biểu tượng của những giá trị nhân văn cao đẹp, lương tri và hòa bình thế giới.