Ngân vang “Bản hùng ca bất diệt”
VHO - “Lần đầu tiên, Bộ VHTTDL tổ chức cầu truyền hình chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7. Hai trong số những địa danh linh thiêng nhất của đất nước sẽ là hai điểm cầu trong chương trình, gồm: Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (Điện Biên). Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, là lời tri ân các thế hệ cha anh đã hi sinh tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương vì Tổ quốc…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông (chỉ đạo nghệ thuật chương trình) chia sẻ tại buổi lễ tổng duyệt diễn ra tối 18.7, từ điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại buổi tổng duyệt chương trình, từ điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo
Cầu truyền hình “Bản hùng ca bất diệt” sẽ chính thức diễn ra tối 19.7. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2, Truyền hình nhân dân, Truyền hình Bà Rịa- Vũng Tàu, Truyền hình Điện Biên và Đài truyền hình các tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27.7 hằng năm, Bộ VHTTDL đều tổ chức các chương trình nghệ thuật tri ân những anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Năm nay, lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức chương trình cầu truyền hình mang tên "Bản hùng ca bất diệt". Ý nghĩa đặc biệt đã trở thành sức mạnh để đội ngũ thực hiện chương trình vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, của điều kiện địa lý xa xôi để quyết tâm tạo nên một bản hùng ca bất diệt, kết nối hai địa danh đặc biệt, từ hòn đảo thiên đường, nơi xưa kia là “địa ngục trần gian” và Điện Biên, nơi đã làm nên chiến thắng lừng lẫy của dân tộc, “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Chương trình cất tiếng tri ân những hi sinh của thế hệ cha anh trong chiến tranh để trân trọng giá trị của độc lập tự do hôm nay, qua đó, gửi đi thông điệp về khát vọng hoà bình cho nhân loại.
“Vượt qua mọi khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với UBND hai tỉnh Điện Biên, Bà Rịa- Vũng Tàu để nỗ lực đưa lực lượng hùng hậu các nghệ sĩ, diễn viên và gần 600 tấn thiết bị ra đảo, cùng một ê kip truyền hình để tập trung thực hiện chương trình, như một lời tri ân đẹp đẽ nhất”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc, “Bản hùng ca bất diệt” là lời tri ân quá khứ bằng một diện mạo khác. Đó là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước thiêng liêng, của lý tưởng sống cao đẹp, của sức trẻ phơi phới, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu ban sơ mà son sắt, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu. Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà theo một góc nhìn nhân văn, lãng mạn và rất con người.
“Từ hai điểm cầu Côn Đảo, Điện Biên, người xem sẽ được nhìn lại quá trình đấu tranh kiên cường, anh dũng, hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc của thế hệ cha anh năm xưa; cùng với những quyết tâm của thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương, với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Chương trình nghệ thuật gồm ba chương: “Tiếng gọi non sông”; “Những cánh hoa bất tử”; “Khúc tráng ca hòa bình”. Một dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, với sợi dây kết nối là niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử hào hùng của đất nước, lòng biết ơn sự hi sinh vĩ đại của các thế hệ cha ông và sự trân quý những giá trị của hoà bình. Tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian năm xưa, bên những ngọn nến tri ân được thắp sáng trên những ngôi mộ của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, âm vang của những giai điệu bất tử cứ mãi ngân lên, mang đến những xúc cảm mãnh liệt về một quá khứ bi thương mà hào hùng nơi tù ngục- “trường học” giữa biển khơi.
Lần đầu tiên hát tại Côn Đảo, với ca sĩ Trọng Tấn, có một xúc cảm không nói nên lời. Liên khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Tiến bước dưới quân kỳ” hát cùng Đăng Dương, Việt Hoàn và ca khúc “Hát về anh” đều đã được nam ca sĩ thể hiện rất nhiều lần. “Thế nhưng, bên những hàng mộ ở Nghĩa Trang Hàng Dương, nơi có cả ngàn nấm mồ liệt sĩ có tên và cả không tên, tôi đã khóc khi hát lên những lời ca, giai điệu bất tử, tựa như tên tuổi của những chiến sĩ anh hùng vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc”, ca sĩ Trọng Tấn xúc động.
Còn với Phạm Thu Hà, lần thứ 8 ca sĩ đến Côn Đảo nhưng đây mới là lần đặc biệt khi nữ ca sĩ có cơ hội được cất lên những giai điệu sống mãi trong chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt”. Ca từ da diết của ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” càng trở nên da diết, xúc động đến nghẹn ngào khi được hát ở nơi này, bên nấm mộ người nữ anh hùng của dân tộc. Ca khúc cũng đã được Thu Hà hát rất nhiều lần. Đặc biệt, trong album “Phạm Thu Hà - Giai điệu tự hào” với 10 ca khúc ngợi ca quê hương, đất nước cũng có bài hát ngợi ca lòng yêu nước và khí phách anh hùng của người con gái vùng đất đỏ.
Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, khắc nghiệt nhất, thế nhưng cũng chính nơi này đã được những người tù cộng sản biến thành trường học. “Địa ngục trần gian” đã trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam
Cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, chương trình còn có nhiều lát cắt giàu cảm xúc như các phóng sự Câu hát xuyên tường thép, Trường học giữa biển khơi. Năm tháng qua đi, ký ức bi tráng vẫn luôn nhắc nhớ thế hệ hôm nay thông điệp “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh”. Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, khắc nghiệt nhất, thế nhưng cũng chính nơi này đã được những người tù cộng sản biến thành trường học. “Địa ngục trần gian” đã trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Ni, nữ cựu tù duy nhất còn sống tại Côn Đảo rưng rưng nước mắt khi nhớ về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu gian khổ và hào hùng năm xưa. “Nhục hình, đói khát, bệnh tật…, tất cả những đòn roi khắc nghiệt nhất ở chốn địa ngục trần gian này đã không thể khiến cho chúng tôi bị khuất phục”, nữ cựu tù Nguyễn Thị Ni nhớ lại.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt" do Bộ VHTTDL chủ trì là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là lời tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hi sinh vì nền độc lập dân tộc. Vì thế, chương trình cần được diễn ra trọn vẹn. Thứ trưởng yêu cầu êkip thực hiện cần tiếp tục nỗ lực, khẩn trương hoàn thiện, khắc phục những khó khăn để chương trình được diễn ra một cách trôi chảy, đảm bảo chất lượng nội dung và nghệ thuật, để lại dấu ấn ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay.
PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN